Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh là bệnh thường gặp, hay được biết đến với tên gọi nấm miệng. Bệnh không quá nguy hiểm nếu cha mẹ nhận biết và xử lí sớm. Bài viết sau đây xin “bật mí” cho cha mẹ cách điều trị khi trẻ bị nấm miệng.

1. Nguyên nhân gây bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Nấm Candida Albicans là nguyên nhân gây bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

Tưa lưỡi (nấm miệng) ở trẻ sơ sinh do nấm Candida Albicans gây nên. Trẻ bị nhiễm nấm có thể do các nguyên nhân sau:

  • Vệ sinh miệng cho trẻ không đúng cách hoặc không thường xuyên.
  • Miễn dịch của trẻ kém do dùng thuốc hoặc mắc các bệnh lí làm giảm miễn dịch.
  • Bé bị lây qua đường sinh dục của mẹ trong lúc sinh thường.
  • Bé bị lây khi bú sữa do ngực, núm vú mẹ bị nấm hoặc núm bình tiệt khuẩn không tốt.

 

2. Biểu hiện của bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

  • Bề mặt lưỡi trẻ xuất hiện các đốm trắng nhỏ bám chắc và không thể làm sạch khi lau bằng gạc thông thường. (Mẹ lưu ý phân biệt với cặn sữa: chấm nhỏ màu trắng, không gây khó chịu cho trẻ, dễ bong và trôi khi trẻ nuốt nước bọt hay uống nước). Sau đó phát triển nhanh chóng tạo thành các mảng trắng lớn khắp khoang miệng của trẻ (niêm mạc má, vòm miệng, bề mặt lưỡi…). Nếu không được điều trị, nấm có thể lan vào đường thở gây ho, viêm phổi, nấm phổi… hoặc lan xuống dạ dày gây tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

  • Khi bị nấm lưỡi, trẻ bú kém hoặc thậm chí bỏ bú do đau tại nền lưỡi. Trẻ quấy khóc. Các trường hợp nặng trẻ có thể bị sốt (từ 37,5 – 38,5 độ C).

 

3. Điều trị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Khi phát hiện trẻ bị tưa lưỡi, cha mẹ nên đưa bé đi khám để được bác sĩ kê thuốc kháng nấm phù hợp và an toàn. Trong vấn đề vệ sinh cho trẻ bị nấm lưỡi, đánh tưa lưỡi là một trong những vấn đề quan trọng giúp đẩy lùi bệnh và phòng tái phát.

3.1. Hướng dẫn đánh tưa lưỡi cho trẻ đúng cách

Đánh tưa lưỡi bằng thuốc cho trẻ trước mỗi bữa ăn 30 phút để tránh nôn trớ. Cách thực hiện như sau:

  • Người chăm sóc rửa sạch tay bằng dung dịch sát khuẩn (cắt sạch móng tay). 
  • Cho trẻ nằm trên giường hoặc bế nếu trẻ không hợp tác.
  • Sử dụng miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay trỏ hoặc đeo miếng gạc tưa lưỡi dạng ống vô trùng.
  • Nhúng ngón tay có gạc vào dung dịch thuốc được bác sĩ kê đơn. Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng. Đưa nhẹ ngón tay quấn gạc vào mặt trên của lưỡi, lau từ trong ra ngoài một lượt rồi thay miếng gạc khác. Làm lặp lại lần 2 nếu trẻ có nhiều mảng tưa lưỡi.
  • Thay miếng gạc khác để lau mặt trong 2 má, trên vòm miệng, vùng nướu với các vị trí khác trong khoang miệng của trẻ.

3.2. Các lưu ý khác

  • Không để các tưa rơi vào miệng trẻ
  • Không đưa ngón tay quá sâu, không dùng lực quá mạnh, không cố gắng cậy các mảng trắng.
  • Không dùng mật ong và các sản phẩm lưu truyền trong dân gian (nước rau ngót, sài đất…) để rơ lưỡi cho trẻ.
  • Sau 48 giờ rơ lưỡi bằng thuốc của bác sĩ kê đơn mà tình trạng bệnh không cải thiện nên đưa trẻ đi khám lại bác sĩ. 

Chúc các ba mẹ và các bé thành công.

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng Đào tạo và Tư vấn – BiboCare