Đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh là một tình trạng khá thường gặp. Tuy nhiên điều này vẫn khiến nhiều ba mẹ lo lắng. Vậy tại sao trẻ ra mồ hôi trộm? Ba mẹ cần làm gì khi bé yêu nhà mình gặp phải tình trạng này? Hãy cùng Bibo Mart tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Mồ hôi trộm ở trẻ là gì?
Mồ hôi trộm là tình trạng trẻ đổ nhiều mồ hôi trong khi đang ở trạng thái ngủ. Vị trí thường ra mồ hôi là ở đầu, nách, lưng, lòng bàn tay và bàn chân. Thành phần của mồ hôi chủ yếu là nước (khoảng 98%), còn lại là muối và các khoáng chất khác được cơ thể thải ra ngoài.
XEM THÊM: Trẻ ra mồ hôi nhiều – mẹ cẩn thận
Nguyên nhân trẻ ra mồ hôi trộm
Nguyên nhân đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 loại là đổ mồ hôi trộm sinh lý và đổ mồ hôi trộm bệnh lý.
Đổ mồ hôi trộm sinh lý
Ở trẻ nhỏ, quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra mạnh khiến thân nhiệt trẻ thường cao hơn người lớn. Do đó, khi môi trường ngủ của bé quá bí, ngột ngạt, có thể dẫn đến ra mồ hôi trộm. Bên cạnh đó, trẻ ra mồ hôi trộm còn có thể do nhiều nguyên nhân như:
– Phòng ngủ của trẻ không thoáng khí, không thông gió. Ba mẹ đóng hết tất cả cửa sổ, cửa ra vào có thể tạo nên sự ngột ngạt.
– Ba mẹ thường đắp chăn dày hoặc quấn quá nhiều khăn quấn cho con.
– Trẻ sơ sinh sẽ thoát nhiệt chủ yếu qua đầu, lòng bàn tay và bàn chân. Ba mẹ đội mũ cho con lúc đi ngủ sẽ cản trở việc thoát nhiệt.
Đổ mồ hôi trộm bệnh lý
Đổ mồ hôi trộm bệnh lý là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của trẻ. Vì vậy, ba mẹ không nên bỏ qua để có hướng xử lý nhanh chóng, kịp thời nhất.
Trẻ bị thiếu vitamin D, canxi, kẽm,…
Trong những năm tháng đầu đời, cơ thể trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Việc trẻ bị thiếu hụt các vi chất và khoáng chất có thể khiến hệ thần kinh của trẻ bị kích thích do chưa phát triển hoàn thiện.
Do trẻ bị sinh non
Trẻ bị sinh non dễ mắc rối loạn thần kinh thực vật, khiến khả năng hấp thụ, trao đổi chất và điều hòa thân nhiệt kém. Vì vậy trẻ sinh non dễ bị đổ mồ hôi trộm hơn các bé phát triển khỏe mạnh. Điều này có thể dẫn đến chứng tăng tiết mồ hôi và hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Nguyên nhân khác
Trẻ đổ mồ hôi trộm còn có thể do mắc các bệnh lý như nhiễm khuẩn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, còi xương. Hoặc trẻ mắc tim bẩm sinh khiến đổ mồ hôi ngay cả khi ngủ và trong các hoạt động thường ngày do tim phải hoạt động nhiều hơn.
Trẻ bị đổ mồ hôi trộm có đáng lo không?
Dù là đổ mồ hôi trộm do sinh lý hay bệnh lý thì phần nào cũng sẽ khiến bé mệt mỏi, hay bị thức giấc và quấy khóc. Vậy trẻ bị đổ mồ hôi trộm có thực sự đáng lo?
Một số trẻ sơ sinh bị đổ mồ hôi trộm do bệnh lý. Nếu hiện tượng này kéo dài nhiều ngày và lượng mồ hôi tiết ra lớn có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải. Do đó, ba mẹ nên theo dõi trẻ để phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám bác sĩ để điều trị kịp thời.
XEM THÊM: 4 món cháo dễ nấu giúp hết hẳn mồ hôi trộm, ngủ ngon giấc
Cách khắc phục và phòng tránh mồ hôi trộm ở trẻ
Phần lớn trẻ sơ sinh thường gặp tình trạng đổ mồ hôi trộm sinh lý. Tình trạng này không đáng lo và ba mẹ có thể cải thiện bằng những biện pháp dưới đây:
- Ba mẹ nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ở mức phù hợp (duy trì ở mức 22 – 26 độ C). Đồng thời có thể lắp thêm máy lọc không khí hoặc bật quạt. Ba mẹ lưu ý không để khí điều hòa và quạt phả trực tiếp vào người con.
- Ba mẹ hãy hạn chế đội mũ cho con lúc đi ngủ (trừ trường hợp trẻ sinh non).
- Nếu dùng khăn quấn trẻ khi ngủ, ba mẹ nên chọn loại khăn quấn, chăn có chất liệu thoáng khí, thấm hút tốt, ví dụ như cotton, vải sợi tre,…
- Dùng khăn mềm hoặc khăn xô lau người và đầu khi trẻ ra mồ hôi tránh trường hợp con bị cảm lạnh. Có thể cho trẻ mặc đồ ngủ mỏng nhẹ, thấm hút tốt như quần áo làm từ chất liệu cotton.
- Ba mẹ nên cho trẻ bổ sung vitamin D, canxi, kẽm cùng các loại vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.
XEM THÊM: Chữa trứng mồ hôi trộm ở trẻ nhờ dùng gối lá đinh lăng
Mong rằng qua bài viết trên, Bibo Mart đã giúp ba mẹ hiểu thêm về hiện tượng đổ mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh. Bibo Mart rất vui khi được đồng hành cùng ba mẹ trong việc trang bị thêm kiến thức để chăm sóc con yêu được tốt nhất!