Phòng ngừa nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh (Phần 2)

Ở phần lớn trẻ sơ sinh, cuống rốn khô dần và rụng trong 2 tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp trẻ bị nhiễm trùng rốn do sự chăm sóc không đúng cách. Nếu chẳng may bị nhiễm khuẩn rốn ở mức độ nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, đe dọa đến tính mạng trẻ. Ba mẹ đừng lo lắng, ngay sau đây bác sĩ Bibo Mart sẽ tiết lộ những biện pháp hiệu quả ngăn ngừa nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh.

Không chỉ sau khi bé chào đời, mẹ cần các cách chăm sóc phù hợp để phòng ngừa nhiễm trùng rốn cho con ngay từ khi mang thai và sau khi dây rốn rụng.

Trong thời gian mang thai

Tiêm vắc xin uốn ván giúp phòng ngừa nhiễm khuẩn rốn trẻ sơ sinh
Mẹ bầu cần tiêm vắc xin uốn ván đầy đủ
  • Mẹ bầu tiêm vaccine uốn ván đầy đủ và đúng lịch.
  • Chọn cơ sở y tế tốt trong khả năng có thể để sinh con.
  • Chuẩn bị sẵn sàng kiến thức và kĩ năng. Nếu có điều kiện và thời gian, ba mẹ nên tham gia các lớp học tiền sản được giảng dạy, hướng dẫn bởi các chuyên gia. Điều này sẽ trang bị cho ba mẹ những kiến thức đúng và đủ để chăm sóc bé một cách tốt nhất. Đồng thời nhờ đó ba mẹ cũng tự tin và vững vàng hơn trong hành trình nuôi dưỡng bé yêu.

Ngay sau khi bé chào đời đến khi rốn rụng

Giai đoạn này, việc chăm sóc và vệ sinh vùng rốn trẻ sơ sinh đúng cách là rất quan trọng. Ba mẹ cần chú ý các yếu tố sau:

  • Vệ sinh vùng rốn của bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn sẽ được kẹp lại để giữ cuống rốn sạch sẽ. Nếu kẹp rốn bị hở hoặc bị rơi ra, ba mẹ chú ý vệ sinh khu vực rốn bé ít nhất 1 lần/ngày. Sử dụng bông gòn vô khuẩn và cồn 70◦ để vệ sinh cho bé (sau tắm).
Sử dụng bông gòn vệ sinh rốn cho bé
Vệ sinh rốn cho bé sau tắm
  • Tắm và vệ sinh cho trẻ đúng cách. Nếu việc tắm rửa của bé được thực hiện đúng sẽ không gây hại cho bé. Nếu cuống rốn bị ướt hoặc bị bẩn khi bé đi ngoài, ba mẹ cần vệ sinh vùng rốn sạch sẽ cho trẻ bằng cồn 70 độ.
  • Cẩn thận khi mặc quần áo, bỉm cho trẻ. Ba mẹ nên mặc bỉm, quần cho trẻ ở dưới rốn. Điều này giúp cuống rốn mau khô hơn khi được giữ thông thoáng, tiếp xúc với không khí.
  • Để cuống rốn rụng tự nhiên. Ở một số trẻ, cuống rốn rụng muộn hơn (không quá 3 tuần). Trong trường hợp này, ba mẹ không tác động mà vẫn chờ để cuống rốn rụng tự nhiên. Nếu sau sinh 3 tuần mà cuống rốn vẫn chưa rụng hoặc tại vị trí cuống rốn có biểu hiện bất thường (như chảy máu, chảy dịch vàng, sưng nề…) ba mẹ đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
  • Không được bôi bất cứ chất gì lên rốn của trẻ nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Sau khi dây rốn trẻ sơ sinh rụng

Trong thời gian đầu sau khi dây rốn rụng, ba mẹ vẫn cần theo dõi thường xuyên và vệ sinh vùng rốn cho trẻ.

vệ sinh rốn trẻ sơ sinh
Vệ sinh vùng rốn sau khi dây rốn rụng
  • Khi dây rốn rụng, mẹ nhìn thấy một mảng da khô, màu đỏ ở cuống rốn là bình thường.
  • Bé có thể chảy một ít máu sẫm màu. Nhưng nếu lượng máu nhiều hoặc kéo dài trên 1 tuần, bé cần được đưa đi khám bác sĩ ngay.
  • Trong 3 – 5 ngày đầu sau khi rốn rụng, hằng ngày ba mẹ vẫn vệ sinh rốn cho trẻ bằng bông gòn và cồn 70◦.

Nếu phát hiện bất kì dấu hiệu bất thường nào, ba mẹ cần xin tư vấn của bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ba mẹ đọc thêm phần 1 của bài viết để biết các dấu hiệu nhiễm trùng rốn ở trẻ. Link bài viết “Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh: các dấu hiệu”: https://bibomart.com.vn/camnang/nhan-biet-nhiem-trung-ron-o-tre-so-sinh/

Chúc các bé luôn khỏe mạnh và an toàn.

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé Bibo Care

Phòng đào tạo và tư vấn – Bibo Care