Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh: các dấu hiệu (phần 1)

Chăm sóc rốn là việc làm cần thiết từ khi trẻ sinh ra cho đến khi cuống rốn rụng và liền sẹo. Tuy không khó nhưng nếu làm không đúng có thể dẫn đến nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, biết cách chăm sóc rốn cho trẻ đúng và nhận diện được các bất thường là điều rất cần thiết. Các ba mẹ cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu ngay nhé!

Dây rốn chịu trách nhiệm vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ mẹ cho thai nhi trong thời gian mang thai. Sau khi dây rốn rụng, rốn vẫn là một bộ phận cơ thể rất quan trọng đối với các cơ quan nội tạng. Chính vì thế việc chăm sóc rốn đúng cách là điều vô cùng quan trọng mà các phụ huynh cần biết.

Sau khi sinh ra, dây rốn của trẻ sẽ được kẹp lại. Mỗi đứa trẻ có một thời điểm rụng rốn khác nhau. Ba mẹ không cần quá lo lắng nếu không nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Thông thường dây rốn sẽ rụng sau khoảng 5 đến 15 ngày. Trong quá trình này, rốn sẽ chuyển sang màu nâu hoặc xám. Sau đó dây rốn khô dần và biến thành màu đen, rụng xuống.

Nếu không được giữ vệ sinh và chăm sóc đúng cách, nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra. Ba mẹ cần hiểu đúng và nhận biết các dấu hiệu này sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

Nhiễm trùng rốn là nhiễm trùng cuống rốn sau khi sinh, có thể khu trú tại vị trí cuống rốn hoặc lan rộng, không còn ranh giới bình thường giữa da và niêm mạc rốn chỗ thắt hẹp, vùng sung huyết lan rộng ra thành bụng kèm phù nề, rỉ dịch hôi, đôi khi có mủ.

nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh 1

Nguyên nhân nhiễm trùng rốn ở trẻ

Vệ sinh rốn sai cách là một trong những lý do chính gây ra tình trạng viêm nhiễm cuống rốn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ. Các điều sau đây có thể là nguyên nhân khiến rốn của trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng:

  • Vệ sinh rốn cho bé chưa đúng cách. Đó có thể là không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi lau rửa cuống rốn. Hoặc bôi các chất lên rốn mà không có chỉ định của bác sĩ,…
  • Không vệ sinh rốn cho bé thường xuyên, băng kín dây rốn của trẻ.
  • Để dây rốn của trẻ bị ướt, không khô thoáng.
  • Dung dịch dùng để vệ sinh rốn cho trẻ không đảm bảo. Cồn 70 độ để vệ sinh rốn cho trẻ là cách tốt nhất và an toàn nhất.

Dấu hiệu nhiễm trùng rốn ở trẻ sơ sinh

Những biểu hiện có thể gặp ở trẻ khi bị nhiễm trùng rốn bao gồm:

  • Cuống rốn sưng, có mùi hôi, chảy dịch bất thường (chảy máu hoặc mủ).
  • Da vùng xung quanh rốn sưng nề, tấy đỏ.
  • Cuống rốn trẻ đã rụng nhưng rốn vẫn ướt hoặc chảy dịch, máu nhiều.
  • Bé bị sốt trên 37.5 độ C (nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt độ đo ở nách cộng thêm 0.5 độ C), bé bỏ bú, ngủ nhiều bất thường.
  • Bé quấy khóc, khó chịu khi người chăm sóc chạm nhẹ vào rốn

Nếu chẳng may trẻ bị nhiễm trùng rốn mà không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể diễn biến nhanh thành nhiễm trùng huyết. Điều này đe dọa đến sức khỏe và tính mạng trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần cho bé đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kì dấu hiệu nhiễm trùng nào đã được đề cập ở trên.

Trên đây là một số điều ba mẹ cần chú ý khi chăm sóc cuống rốn cho con. Để tìm hiểu thêm về các cách phòng ngừa nhiễm trùng rốn cho trẻ sơ sinh, ba mẹ vui lòng xem tiếp phần 2. Đường lịnk của bài viết tại: https://bibomart.com.vn/camnang/phong-ngua-nhiem-khuan-ron-o-tre-so-sinh-phan-2/

Chúc các bé luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare