Mang thai nghén nặng phải làm sao?

Nghén là một hiện tượng gặp ở khoảng 70% phụ nữ mang thai. Trong đó có khoảng 1,5% mẹ bầu bị nghén nặng. Mặc dù không phải là hiện tượng bệnh lí, nhưng nếu mẹ chưa biết cách kiểm soát triệu chứng nghén hoặc mẹ bị nghén nặng, nghén kéo dài có thể dẫn tới thiếu dưỡng chất, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Do đó, làm sao để vừa giảm bớt cơn ốm nghén, vừa có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất là việc mẹ bầu nên lưu tâm. Chuyên gia BiboMart sẽ bật mí cho các ba mẹ những điều nên làm để kiểm soát cơn nghén giúp thời kì mang thai của mẹ an toàn và dễ dàng hơn nhé!

 

1. Thế nào là nghén và nghén nặng?

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem nghén là hiện tượng như thế nào, xuất hiện vào thời gian nào?  Nguyên nhân, biểu hiện của nghén là gì? Và như thế nào thì là nghén nặng?

1.1. Nghén thường bắt đầu khi nào?

Triệu chứng ốm nghén khi mang thai thường bắt đầu trước tuần thứ 9 của thai kỳ. Sau đó giảm dần và hết lúc thai được 14 tuần ở 80% thai phụ. Một số ít sản phụ bị ốm nghén nặng, kéo dài.

 

Triệu chứng nghén thường xuất hiện trước tuần thứ 9 của thai kỳ.
Khoảng 2% các trường hợp ốm nghén thai kỳ là bị nghén nặng

1.2. Nguyên nhân nghén khi mang thai

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, thai phụ bị nghén là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai (Progesteron và HCG). Sự thay đổi này dẫn tới giãn các cơ hệ tiêu hóa khiến thức ăn bên trong dạ dày bị đẩy lên thực quản. Điều này gây cảm giác buồn nôn và nhu động ruột bị giảm gây nên triệu chứng khó tiêu.

 

Một số nguyên nhân khác làm nặng thêm tình trạng này bao gồm:

  • Thói quen ăn uống thất thường
  • Hệ thần kinh nhạy cảm với mùi vị
  • Di truyền

 

1.3. Biểu hiện của nghén khi mang thai

Khi bị nghén, mẹ bầu sẽ cảm thấy khó chịu, chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, chán ăn… Các triệu chứng này xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhất là vào buổi sáng hoặc khi có sự kích thích mùi vị từ một số loại thực phẩm (thịt sống, cá sống, thực phẩm dậy mùi…).

Tùy vào mức độ buồn nôn và nôn mà chúng ta chia thành 2 nhóm: nghén nhẹ và nghén nặng.

 

1.3.1. Nghén nhẹ

Nghén nhẹ là khi mẹ bầu chỉ buồn nôn và nôn với tần suất ít:

  • Cảm giác buồn nôn ít hơn một giờ/ lần
  • Nôn khoảng 2 lần/ ngày

1.3.2. Nghén nặng

Nghén nặng là khi mẹ bị buồn nôn kéo dài nhiều giờ liên tục, nôn trên 5 lần/ ngày. Ngoài buồn nôn và nôn, mẹ còn gặp phải tình trạng:

  • Cơ thể bị mất nước
  • Rối loạn điện giải
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân

Phụ nữ nghén nặng thường có triệu chứng khá sớm, từ tuần thai 5 hoặc 6. Nặng nhất thường diễn ra vào khoảng tuần thai thứ 9. Sau đó, có thể kéo dài đến hết thai kỳ hoặc giảm bớt khi chuẩn bị sinh.

 

2. Nghén nặng phải làm gì để giảm bớt?

Cần phải hiểu rằng, tình trạng nghén nặng ở phụ nữ mang thai không có nghĩa thai yếu hay đang gặp vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên,  nếu không có biện pháp can thiệp, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thâm chí, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nghén nặng có thể dẫn tới biến chứng bệnh não Wernicke.

 

Vậy thì khi mẹ bầu bị nghén nặng, cần làm gì để giảm bớt? Dưới đây là một số biện pháp mà mẹ có thể tham khảo:

 

2.1. Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý

 

 

Mẹ nên ăn nhiều bánh mì, hoa quả, thực phẩm khô; hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng protein và carbohydrates cao.
Mẹ nên chia nhỏ bữa ăn để hạn chế tình trạng nghén

 

Để kiểm soát tình trạng nghén, mẹ cần lưu ý:

 

  • Chia bữa ăn hàng ngày thành nhiều bữa nhỏ (tối thiểu 6 bữa/ngày).
  • Mẹ không để dạ dày trong tình trạng trống bằng cách mẹ luôn mang sẵn những đồ ăn vặt như trái cây, sữa chua, các loại hạt… để ăn khi đói. Ngược lại mẹ cũng không nên ăn quá nhiều trong 1 bữa ăn vì sẽ làm mẹ dễ nôn ói.
  • Hạn chế những thực phẩm khiến tình trạng nghén của mẹ trở nên trầm trọng hơn. Không cần cố ép bản thân chịu đựng những thức ăn mẹ không nuốt nổi chỉ vì muốn 1 chế độ dinh dưỡng hoàn hảo cho bé yêu.
  • Không nằm hay ngồi một chỗ ngay sau bữa ăn (nên đi lại nhẹ nhàng).
  • Uống đủ nước (40ml nước/kg cân nặng/24h).
  • Mẹ cố gắng giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ.

 

2.2. Bổ sung vitamin B1

Để giảm thiểu tình trạng nghén, mẹ có thể bổ sung thêm vitamin B1. Loại vitamin này có tác dụng giúp ngăn ngừa cảm giác buồn nôn và nôn. Mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để bổ sung qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch.

 

2.3. Sử dụng thuốc chống buồn nôn thai kỳ 

Một biện pháp khác mà mẹ có thể sử dụng để giảm bớt tình trạng ốm nghén, đó là sử dụng thuốc chống buồn nôn thai kỳ. Đây được đánh giá là phương pháp hiệu quả để giảm nhanh chóng các triệu chứng nghén nặng ở mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ lưu ý chỉ sử dụng thuốc khi có chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

 

Trên đây là một số biện pháp để mẹ bầu có thể giảm thiểu tình trạng ốm nghén khi mang thai. Hi vọng thông qua bài viết này, mẹ sẽ biết cách kiểm soát cơn nghén khi mang thai và không bị rơi vào tình trạng nghén nặng. Từ đó có một thai kỳ thật thoải mái và không ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của con yêu.

 

Nếu có bất cứ băn khoăn, thắc mắc nào, ba mẹ hãy liên hệ tới BiboMart ba mẹ nhé! Đội ngũ chuyên viên tư vấn của BiboMart luôn sẵn sàng giải đáp tận tình cho ba mẹ!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare