Lịch khám thai và những xét nghiệm cần làm trong 3 tháng giữa thai kỳ

Khám thai là việc làm rất quan trọng mà mẹ bầu cần thực hiện trong suốt hành trình mang thai để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Ngay bây giờ, ba mẹ hãy cùng chuyên gia Bibo Mart tìm hiểu về lịch khám thai, những xét nghiệm cần làm trong 3 tháng giữa thai kỳ, ba mẹ nhé!

 

1. Lịch khám thai 3 tháng giữa như thế nào là đúng?

 

Khám thai đúng lịch sẽ giúp mẹ kiểm soát tốt các vấn đề sức khỏe trong thai kỳ
Mẹ nên đi khám thai đúng lịch

Ba tháng giữa thai kỳ (từ tuần 13 đến tuần 27) là khoảng thời gian khá tuyệt vời đối với các mẹ bầu. Ở giai đoạn này, mẹ bắt đầu cảm nhận được cử động của bé yêu trong bụng. Hiện tượng nghén khi mang thai phần lớn đã hết. Tuy nhiên, để đảm bảo thai kỳ được an toàn, mẹ cần đi khám thai đầy đủ và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, thai phụ cần khám thai 4 tuần một lần. Điều này sẽ giúp bác sĩ có thể theo dõi sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và thai nhi. Trừ những trường hợp đặc biệt, bác sĩ sẽ hẹn mẹ đi khám theo lịch riêng.

 

2. Khám thai 3 tháng giữa cần làm những gì? 

Trong 3 tháng giữa thai kỳ, khi đi khám thai, mẹ sẽ cần thực hiện một số nội dung như:

– Siêu âm khảo sát hình thái thai nhi (siêu âm 4D) để phát hiện các dị tật sớm

– Tầm soát đái tháo đường thai kỳ

– Tiêm phòng uốn ván rốn.

 

2.1. Khảo sát dị tật thai nhi

 

SIêu âm sẽ giúp các bác sĩ khảo sát dị tật thai nhi
Siêu âm hình thái khảo sát dị tật thai nhi

 

Khi thai nhi được 22 tuần, hệ thống giải phẫu của con đã hoàn chỉnh. Do đó, bác sĩ có thể thực hiện đánh giá hình thái của thai, tình trạng phát triển và phát hiện các dị tật (nếu có). Ở lần siêu âm này, mẹ sẽ thấy được các đặc điểm bên ngoài của con: khuôn mặt, tay, chân.… Đồng thời, mẹ còn biết được sự phát triển của các cơ quan, bộ phận khác bên trong cơ thể con như: não, tim, hệ tiêu hóa…

 

2.2. Tầm soát bệnh đái tháo đường thai kỳ

Tại nước ta, test dung nạp Glucose được chỉ định thường quy cho mọi thai phụ mang thai tuần 24-28. Mục đích là để tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, đối với những phụ nữ có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ, việc thực hiện xét nghiệm có thể thực hiện sớm hơn theo chỉ định của bác sĩ.

 

Các trường hợp có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ gồm có:

– Tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường

– Thừa cân, béo phì

– Bị hội chứng buồng trứng đa nang PCOS

– Tiền sử sinh con to trên 4000 gram hoặc tiền sử thai chết lưu…

 

Để đảm bảo kết quả xét nghiệm được chính xác, 3 ngày trước khi xét nghiệm, mẹ bầu ăn uống bình thường. Tuy nhiên, lưu ý chế độ ăn không quá ngọt hoặc không quá kiêng đồ ngọt. Ngoài ra, bữa ăn cuối cùng ngày hôm trước của mẹ cần kết thúc trước 10 giờ tối.

 

 

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ được dựa vào nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ thường được thực hiện vào buổi sáng khi chưa ăn uống gì

2.3. Theo dõi sự phát triển và đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi

Sự phát triển của thai nhi là mối quan tâm lớn của hầu hết các ba mẹ. Trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển của thai nhi thông qua các hoạt động:

– Thăm khám (đo bề cao tử cung, vòng bụng…)

– Siêu âm (đo đường kính lưỡng đỉnh, chu vi đầu, chiều dài xương đùi, chu vi bụng…)

– Khảo sát Doppler mạch máu nuôi dưỡng (động mạch rốn, động mạch tử cung)…

 

2.4. Tiêm phòng uốn ván

Uốn ván là bệnh cấp tính do độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Ở phụ nữ có thai, vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở và gây uốn ván tử cung. Còn đối với trẻ sơ sinh, vi khuẩn này dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn. Điều này dễ dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh khiến trẻ bị suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, thậm chí là tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.

 

Để phòng ngừa, theo phác đồ khám thai của Bộ Y tế Việt Nam, mọi phụ nữ mang thai lần đầu cần được tiêm phòng uốn ván hai mũi cách nhau 1 tháng. Mũi cuối cùng nên được tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng.

Với những phụ nữ mang thai lần 2 trở lên, số mũi tiêm và thời gian tiêm phụ thuộc vào:

– Lịch sử tiêm phòng uốn ván của mẹ

– Khoảng cách giữa các lần mang thai.

Do đó, để đảm bảo an toàn, mẹ bầu nên tiêm phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ để đúng và phù hợp nhất cho bản thân.

 

Hy vọng qua bài viết, ba mẹ đã nắm được lịch khám thai và các xét nghiệm cần làm trong 3 tháng cuối thai kỳ. Dù hành trình mang thai có thể không dễ dàng nhưng Bibo Mart luôn đồng hành cùng các ba mẹ. Nếu có bất cứ băn khoăn, thắc mắc nào, ba mẹ hãy liên hệ tới BiboMart ba mẹ nhé! Chúc ba mẹ có thời kỳ mang thai thật an toàn và hạnh phúc!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé Bibo Care

Phòng đào tạo và tư vấn – Bibo Care