Ăn dặm tự chỉ huy (ăn dặm BLW) phần 2

Ăn dặm BLW (Baby Led Weaning) là phương pháp ăn dặm phổ biến ở các nước Châu Âu và Mỹ bởi những lợi ích tuyệt vời cho trẻ. Ở phần 1, các ba mẹ đã biết ăn dặm tự chỉ huy là gì? Trong phần 2, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về hình dạng, cách cắt thức ăn và cách tương tác với trẻ khi cho bé ăn dặm BLW để đạt được hiệu quả tốt nhất, ba mẹ nhé!

1. Hình dạng và kích thước của thức ăn

1.1. Khi trẻ 6 tháng tuổi

Đối với hấu hết các bạn nhỏ, đây là thởi điểm để bé bắt đầu tập ăn dặm. Để chọn đồ ăn hoặc muốn lấy thứ gì đó, trẻ thường sử dụng cả bàn tay. Ba mẹ nên cắt thức ăn thành những que dài và mỏng.

Các loại thực phẩm có thể cho bé ăn ở giai đoạn này: rau củ, trái cây, thịt lợn, thịt gia cầm…

Khi trẻ mới ăn dặm, ba mẹ nên cắt thức ăn dạng que nếu chọn phương pháp ăn dặm BLW cho bé

 

1.2. Khi trẻ 8 – 10 tháng

Thời điểm này, bé bắt đầu chuyển sang giai đoạn thứ 2 của ăn dặm BLW. Thay vì sử dụng cả bàn tay để cầm nắm thức ăn, bé sẽ chuyển sang nhón thức ăn bằng 3 ngón tay và 2 ngón tay. Thời điểm này, ba mẹ dần chuyển thức ăn từ những thanh dài thành những thức ăn ngắn hơn, miếng nhỏ hơn. Đây cũng là thời điểm tốt để ba mẹ bắt đầu cho bé làm quen với thìa và nĩa. Bé sẽ tập luyện để có thói quen ăn uống bằng thìa.

1.3. Khi trẻ trên 10 tháng tuổi

Sau khi bé đã học, thực hiện thành thạo hầu hết các kĩ năng, ba mẹ bắt đầu chuyển dần kết cấu thức ăn nhỏ hơn, dạng hạt đỗ cho bé. Thức ăn cho bé cần có độ mềm phù hợp. Ba mẹ có thể kiểm tra bằng cách dùng lực của ngón cái và ngón trỏ.

 

2. Lượng ăn của trẻ cho 1 bữa ăn dặm BLW

Ba mẹ dùng một chiếc đĩa đường kính 8-12 cm, độ sâu tầm 2-3 cm dùng cho các bé từ 6-36 tháng tuổi. Ba mẹ phân bổ thức căn vào đĩa theo 3 nhóm dinh dưỡng chính:

  • Nhóm 1: Cơm, nui, bún, mì, bánh mì (1/4 đĩa, không nhiều hơn 2 loại).
  • Nhóm 2: thịt, cá, trứng, phô mai (1/4 đĩa).
  • Nhóm 3: Rau củ quả (1/2 đĩa).

 

3. Cách tương tác với bé khi ăn theo phương pháp ăn dặm BLW

Đây là một phần cực kỳ quan trọng trong quá trình tập ăn dặm của trẻ. Nếu không được tương tác cùng ba mẹ, trẻ nhanh chóng cảm thấy nhàm chán. Cách tương tác gây tăng chú ý của trẻ lên thức ăn là cách tương tác cơ bản để trẻ hứng thú với BLW. Điều này cũng đồng thời giúp trẻ học được bài học về hành vi ăn uống lành mạnh.

Để tăng chú ý của trẻ với thức ăn, thay vì nói: “Con ăn cà rốt đi, màu cam nè”, ba mẹ hãy làm khác đi:

– Mẹ có thể bốc cà rốt lên, cắn 1 miếng và nói: “Mẹ ăn cà rốt nhé, con muốn thử không” (phương pháp làm mẫu).

– Một cách khác là đặt cà rốt vào tay trẻ, nhờ bé cho ba mẹ ăn và trẻ cũng ăn.

– Hoặc ba mẹ cầm cà rốt và 1 miếng bí đỏ, hỏi trẻ ăn cái nào trước (phương pháp lựa chọn).

Dành nhiều thời gian hơn để tương tác với trẻ trong bữa ăn là điểm nhấn ở BLW, giúp trẻ thích thú với bữa ăn và phát triển kỹ năng vận động tốt hơn.

Chúc bé có khoảng thời gian ăn dặm bổ dưỡng và thật hạnh phúc!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare