6 dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần ghi nhớ để chào đón bé yêu

Chuyển dạ là quá trình diễn ra trong giai đoạn cuối của thai kỳ mà bà bầu nào cũng phải trải qua. Đây cũng là mốc đánh dấu sự bắt đầu của quá trình sinh nở, vậy nên việc nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu chuyển dạ là rất quan trọng. Điều này giúp ba mẹ có thể chuẩn bị chu đáo để quá trình sinh con được thuận lợi, an toàn.

Dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần lưu ý
Dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần lưu ý

1. Chuyển dạ là gì?

Chuyển dạ là quá trình co bóp tử cung làm cho thai nhi và bánh nhau được đưa ra khỏi buồng tử cung qua đường âm đạo của người mẹ. Quá trình chuyển dạ có thể xảy ra ở các giai đoạn thai kỳ khác nhau:

– Chuyển dạ đủ tháng là chuyển dạ khi tuổi thai từ đầu tuần thứ 38 đến hết 40 tuần (là ngày dự kiến sinh). Khi đủ tháng, thai nhi đã trưởng thành và có khả năng sống độc lập ngoài tử cung người mẹ.

– Chuyển dạ non tháng là khi tuổi thai dưới 37 tuần. Lúc này bé vẫn chưa hoàn toàn đủ lớn để có thể sống bên ngoài tử cung mẹ

– Chuyển dạ già tháng là chuyển dạ khi tuổi thai trên 41 tuần. Lúc này đã quá ngày dự sinh, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp sinh.

2. Các dấu hiệu sắp sinh phổ biến

Đến những tuần cuối của thai kỳ, hẳn ba mẹ đang rất háo hức chào đón con yêu. Đây cũng là giai đoạn bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu chuyển dạ. Ba mẹ hãy lưu ý những dấu hiệu phổ biến dưới đây nhé:

2.1 Cơn gò tử cung mạnh và đều đặn

Một trong những dấu hiệu chuyển dạ (dấu hiệu sắp sinh) rõ rệt nhất là cơn gò tử cung. Mẹ nên lưu ý để tránh nhầm lẫn với cơn gò sinh lý (Braxton Hicks).

Cơn gò tử cung mạnh là dấu hiệu mẹ sắp sinh
Cơn gò tử cung mạnh là dấu hiệu mẹ sắp sinh

Trong thai kỳ, các cơn gò sinh lý hay còn gọi là cơn gò giả đôi khi vẫn xuất hiện nhưng với tần suất thưa, không đều. Các cơn gò này không tăng dần theo thời gian và mẹ chỉ cảm thấy chướng bụng, đau nhẹ.

Ngược lại, cơn gò chuyển dạ thật sẽ diễn ra vào những tháng cuối. Các cơn co thắt vùng bụng xuất hiện liên tục, đều đặn với tần suất ngày càng tăng dần. Khoảng cách giữa các cơn gò ngày càng gần nhau, mẹ bầu ngày càng thấy đau hơn. Dựa vào thời gian xuất hiện, đặc điểm và biểu hiện, mẹ có thể dễ dàng phân biệt được đâu là cơn gò chuyển dạ.

2.2 Ra dịch nhầy màu hồng (dịch báo)

Nút nhầy là một khối chất nhầy nằm tại lỗ cổ tử cung, hoạt động như một hàng rào ngăn chặn các tác nhân gây bệnh đi vào tử cung. Khi mẹ bầu thấy quần nhỏ có chất nhầy hồng hoặc đỏ, có thể mẹ đã ra nút nhầy cổ tử cung để chuẩn bị đón bé yêu chào đời. Tuy nhiên, khoảng cách giữa việc ra dịch nhầy và thời gian bắt đầu thực sự chuyển dạ là không cố định. Khoảng cách này có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

2.3 Rỉ ối hoặc vỡ ối

Vỡ ối là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ
Vỡ ối là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ

Vỡ ối là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mẹ bầu bắt đầu chuyển dạ. Cảm giác vỡ ối của mỗi thai phụ có thể khác nhau. Mẹ sẽ cảm thấy có một dòng nước chảy nhanh, mạnh, đột ngột từ âm đạo nhưng không thấy đau đớn, hoặc mẹ chỉ thấy nước chảy thấm ướt đáy quần nhỏ. Mẹ cần phân biệt đó là nước tiểu hay nước ối. Nước ối sẽ chảy ra liên tục và không thể kiểm soát được.

Nếu mẹ nghi ngờ vỡ ối, nên nhanh chóng đến bệnh viện vì vỡ ối ở bất cứ thời điểm nào đều có thể là dấu hiệu em bé sắp chào đời.

2.4 Đau lưng dưới và áp lực vùng xương chậu

Khi sắp sinh, mẹ sẽ thấy đau mỏi dai dẳng ở hai bên háng, vùng chậu và lưng dưới. Mẹ cảm thấy tình trạng đau ngày càng nghiêm trọng hơn bởi lúc này bé đã di chuyển xuống thấp, khiến vùng lưng dưới chịu áp lực nặng và đau nhức. Kèm theo đó là các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị giãn, kéo căng ra để chuẩn bị cho thai nhi ra đời. Nếu là lần đầu mang thai, các dấu hiệu này sẽ rõ ràng hơn.

2.5 Giảm cân nhẹ hoặc thay đổi thói quen ăn uống

Mẹ có thể thay đổi thói quen ăn uống khi gần đến ngày sinh
Mẹ có thể thay đổi thói quen ăn uống khi gần đến ngày sinh

Giảm cân nhẹ hoặc thay đổi thói quen ăn uống không phải là dấu hiệu sắp sinh chính xác. Tuy nhiên, đây cũng là những thay đổi mà mẹ bầu thường gặp khi ở cuối giai đoạn thai kỳ. Lúc này cơ thể mẹ đang dần chuẩn bị cho quá trình sinh nở nên bắt đầu giảm tích nước, dẫn đến giảm cân nhẹ. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cảm thấy khó ăn uống do áp lực của tử cung lên dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khiến mẹ giảm cảm giác thèm ăn.

Các mẹ lưu ý nếu giảm cân quá nhiều hoặc đột ngột có thể là dấu hiệu bất thường và cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

2.6 Thay đổi trong chuyển động của bé

Bé ít đạp hơn khi sắp chào đời 
Bé ít đạp hơn khi sắp chào đời

Khi mẹ cảm thấy bé ít đạp hơn bình thường cũng có thể do bé đang chuẩn bị để chào đời đó mẹ. Trước khi sinh, bé thường có xu hướng ngủ nhiều hơn để tích trữ năng lượng cho quá trình chào đời. Hoặc lúc này bé đã thay đổi tư thế, xoay đầu xuống dưới để chuẩn bị chui ra, điều này mẹ có thể cảm nhận được khi thấy những cú đạp ở vị trí khác hoặc con đạp ít hơn trước. Những thay đổi này của con là dấu hiệu sắp sinh cho mẹ.

3. Dấu hiệu sắp sinh giả và cách phân biệt

3.1. Dấu hiệu chuyển dạ giả (Braxton Hicks)

Dấu hiệu chuyển dạ giả là các cơn co thắt không đều, cũng không tăng dần về cường độ. Mẹ cảm giác như bụng bị căng cứng, đau nhẹ giống như đau bụng kinh. Cơn co này không làm cổ tử cung mở rộng nên cũng sẽ không đi kèm các dấu hiệu chuyển dạ như ra dịch nhầy hay vỡ ối. Khi mẹ thay đổi tư thế hoặc nghỉ ngơi, cơn co có thể giảm đi và biến mất.

Cơn gò giả giúp mẹ dần làm quen với tình huống chuyển dạ thật
Cơn gò giả giúp mẹ dần làm quen với tình huống chuyển dạ thật

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do tử cung đang tập luyện để giúp mẹ làm quen với quá trình chuyển dạ thật. Trong quá trình mang bầu làm hormone trong cơ thể mẹ có sự thay đổi cũng gây ra cơn gò. Ngoài ra, nếu mẹ vận động mạnh sẽ kích thích tử cung làm co bóp và tạo nên các cơn gò.

3.2 Cách phân biệt dấu hiệu thật và giả

Nhiều mẹ bầu thường nhầm lẫn giữa chuyển dạ giả và chuyển dạ thật. Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp mẹ dễ dàng phân biệt hơn:

Cơn gò thật Cơn gò giả 
– Xuất hiện từ tuần 37 trở đi – Thường xuất hiện từ tam cá nguyệt thứ 2
– Xuất hiện đều đặn, khoảng cách ngắn dần – Xuất hiện không đều đặn
– Tình trạng co thắt không giảm khi thay đổi tư thế – Cảm giác đau nhức sẽ giảm khi nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế
– Cường độ mạnh, gây đau đớn lan từ lưng xuống bụng – Cường độ nhẹ nhàng, cảm giác căng cứng bụng hơn là đau đớn
– Làm cho cổ tử cung mở rộng để em bé chào đời – Giúp tử cung làm quen với quá trình chuyển dạ và giúp tử cung mềm ra

4. Các giai đoạn chuyển dạ và dấu hiệu đi kèm 

4.1 Giai đoạn đầu 

Giai đoạn này cổ tử cung bắt đầu mở ra nhưng rất chậm, chỉ mở được khoảng 1 – 3cm. Kèm theo đó là một số dấu hiệu khác như cơn gò tử cung nhẹ, không đều đặn, giống như cơn co thắt kinh nguyệt bình thường. Mẹ cũng có thể cảm thấy đau lưng, đau bụng dưới. Đây có thể là dấu hiệu mẹ sắp chuyển dạ. Ngoài ra giai đoạn này tử cung sẽ mất nút nhầy, chất nhầy màu hồng có thể lẫn máu sẽ được tống ra ngoài.

4.2 Giai đoạn hoạt động

Các cơn co tử cung dữ dội là biểu hiện của cơn đau đẻ
Các cơn co tử cung dữ dội là biểu hiện của cơn đau đẻ

Giai đoạn này cổ tử cung mở nhanh hơn, cơn co mạnh và thường xuyên hơn. Tử cung có thể mở từ 4 – 7cm. Các cơn gò mạnh hơn, đau dữ dội, kéo dài từ 30 giây – 1 phút, đau liên tục hơn và cách nhau khoảng 3 – 5 phút. Mẹ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và bồn chồn.

4.3 Giai đoạn chuyển tiếp

Đây là giai đoạn cuối trước khi sinh. Cổ tử cung gần như mở hoàn toàn với độ rộng 8 – 10cm. Cơn co lúc này rất mạnh, liên tục và gần như không có khoảng nghỉ. Mẹ bầu có cảm giác muốn rặn rất mạnh. Lúc này thậm chí bác sĩ đã có thể nhìn thấy đầy em bé.

4.4 Giai đoạn đẩy và sinh em bé

Đây là giai đoạn mẹ bắt đầu rặn để đẩy bé ra ngoài. Cơn gò co thắt mạnh, kết hợp với lực rặn của mẹ. Thời gian rặn đẻ có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy sức của mẹ cũng như trọng lượng của bé.

5. Lưu ý khi xuất hiện các dấu hiệu sắp sinh 

5.1 Khi nào cần đến bệnh viện ngay?

Khi cảm thấy có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ hãy tính thời gian co, khoảng cách giữa các cơn co và trao đổi với bác sĩ về đặc điểm cơn co và triệu chứng khác để được hỗ trợ tốt nhất. Khi có một trong các dấu hiệu sau, mẹ nên đến viện càng sớm càng tốt:

Mẹ nên vào viện ngay khi có những dấu hiệu sắp sinh
Mẹ nên vào viện ngay khi có những dấu hiệu sắp sinh

– Xuất hiện các dấu hiệu chuyển dạ ở tuần thai dưới 37 tuần kèm theo chảy máu âm đạo, ra dịch âm đạo bất thường, đau bụng, đau vùng chậu hoặc vùng lưng dai dẳng không thuyên giảm.

– Khi mẹ thấy vỡ hoặc rò rỉ nước ối, nhất là khi nước ối có màu vàng nâu, màu hồng, màu đỏ hoặc xanh lá cây.

– Xuất huyết âm đạo bất thường

– Khi mẹ thấy đau bụng dữ dội, đau liên tục không giảm

– Nhức đầu, mờ mắt kèm theo sốt

– Bé giảm cử động, ít đạp hơn so với bình thường

– Cơn gò liên tục, mỗi cơn kéo dài 45-60 giây, cách nhau 3-5 phút.

5.2 Chuẩn bị trước khi vào viện

Chuẩn bị kỹ càng trước khi sinh sẽ giúp cho mẹ có một hành trình vượt cạn an toàn và thuận lợi. Mẹ nên nhớ mang đầy đủ giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm y tế, kết quả khám thai hoặc những thuốc đang dùng để bác sĩ có thể nắm được tiền sử về tình trạng sức khoẻ của mẹ trong thai kỳ.

Chuẩn bị kĩ trước khi sinh giúp hành trình vượt cạn được thuận lợi hơn
Chuẩn bị kĩ trước khi sinh giúp hành trình vượt cạn được thuận lợi hơn

Chuẩn bị túi đồ đi sinh gồm các đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé. Mẹ nên mang theo quần lót giấy, băng vệ sinh là những thứ thiết yếu với mẹ sau sinh, vài bộ đồ rộng rãi, thoải mái và các đồ vệ sinh cá nhân của mẹ.

Với bé yêu, mẹ nên mang cho con 3 – 4 bộ quần áo sơ sinh dài tay, tất, , bao tay, tã lót, khăn sữa, khăn bông để vệ sinh cho bé. Ngoài ra có thể mẹ sẽ chưa có sữa cho con bú ngay nên mẹ hay mang bình pha sữa và sữa công thức đi mẹ nhé!

Trước khi đi mẹ nên lựa chọn trước địa chỉ bệnh viện uy tín, đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm. Mẹ nên liên hệ trước với bệnh viện để đảm bảo mọi thứ sẵn sàng cho hành trình sinh con của mẹ.

6. Lời khuyên dành cho mẹ bầu sắp sinh 

6.1 Duy trì tâm lý thoải mái

Việc duy trì tâm lý thoải mái trước khi sinh không chỉ giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái mà còn giúp quá trình sinh để được suôn sẻ hơn. Mẹ bầu có thể duy trì tâm lý tích cực bằng những sở thích hàng ngày như đọc sách, nghe nhạc, thiền,… Những lúc hồi hộp, lo lắng, mẹ có thể tập thở đều theo nhịp để giảm bớt sự căng thẳng. Tắm nước ấm cũng có thể giúp mẹ bầu thư giãn và giảm đau nhức.

Quan trọng nhất đó là mẹ bầu cần được nói chuyện, chia sẻ với những người thân xung quanh để có cảm giác an toàn và tâm lý thoải mái hơn.

6.2 Tập luyện trước khi sinh

Tập luyện trước khi sinh giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn
Tập luyện trước khi sinh giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn

Các bài tập thể dục nhẹ nhàng không chỉ giúp mẹ khỏe mạnh mà còn giúp quá trình sinh nở được dễ dàng hơn. Trước khi sinh, mẹ có thể tập các bài tập như yoga, pilates dành cho mẹ bầu hoặc đi bộ nhẹ nhàng. Ngoài ra, một số bài tập cho mẹ bầu như tập sàn chậu, thể dục nhịp điệu, tập nhịp thở,… Mẹ nên lựa chọn bài tập sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Đây cũng là cách giúp mẹ cải thiện tâm trạng, cho tâm lý thoải mái trước khi sinh con.

6.3 Chuẩn bị tinh thần và thể chất

Mẹ bầu cần có sự chuẩn bị tinh thần trước khi sinh con. Đặc biệt là nên tìm hiểu và nắm rõ các giai đoạn sinh để có sự chuẩn bị và tránh tâm trạng hoang mang, lo lắng. Mẹ có thể tìm đến các chuyên gia, bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.

Chuẩn bị tinh thần thoải mái và vui vẻ
Chuẩn bị tinh thần thoải mái và vui vẻ

Mỗi mẹ bầu sẽ có những cách thư giãn và giải tỏa căng thẳng khác nhau. Mẹ hãy tìm những cách phù hợp với bản thân nhất để có một thai kỳ an toàn và hạnh phúc.

Hi vọng qua bài viết vừa rồi, mẹ đã an tâm và nhận biết được những dấu hiệu chuyển dạ. Bibo Mart luôn đồng hành cùng ba mẹ trong hành trình thai nghén và chăm sóc các thiên thần nhỏ. Chúc các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh, vượt cạn thành công, mẹ tròn con vuông!

Xem thêm: 

Danh sách đồ sơ sinh cho bé đầy đủ, tiết kiệm nhất

Tụt bụng khi mang bầu và những dấu hiệu chuyển dạ mẹ cần nắm rõ

 

Tải App Bibomart để mua hàng thuận tiện hơn!
Mã QR
App store
Google Play
TỔNG ĐÀI (8:00-22:00) Hotline 1800 68 86 (Miễn phí)