Hiện nay máy hút sữa đang là dụng cụ không thể thiếu của các bà mẹ công sở bận rộn. Bên cạnh lợi ích hút sữa dự trữ cho bé, dùng máy hút sữa còn giúp mẹ khắc phục tình trạng căng tức ngực, tắc tia sữa, sữa thừa còn sót lại,… Để giúp cho các mẹ biết cách dùng máy hút sữa hiệu quả nhất, Bibo Mart xin đưa ra vài lưu ý dưới đây, các mẹ cùng tham khảo nhé!
1. Tại sao nên dùng máy hút sữa?
Trước khi đi sâu vào cách sử dụng máy hút sữa, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao việc hút sữa là cần thiết:
- Tích trữ sữa: Trong trường hợp mẹ phải quay lại công việc hoặc không thể trực tiếp cho con bú, máy hút sữa giúp mẹ tích trữ sữa mẹ để đảm bảo bé vẫn có nguồn dinh dưỡng tự nhiên.
- Kích thích tiết sữa: Khi bé không bú đủ hoặc khi sữa mẹ ít, việc sử dụng máy hút sữa giúp kích thích tiết sữa nhiều hơn.
- Giảm căng tức ngực: Nhiều mẹ gặp phải tình trạng căng tức ngực khi sữa quá nhiều mà bé không bú hết. Máy hút sữa sẽ giúp giảm áp lực này.
- Hỗ trợ cho các mẹ sinh non hoặc bé không thể bú: Đối với những trường hợp bé sinh non hoặc có khó khăn khi bú, mẹ có thể hút sữa và đút sữa cho bé bằng bình.
2. Chuẩn bị gì trước khi hút sữa?
Bước 1: Chọn loại máy hút sữa phù hợp với nhu cầu.
Có 2 loại máy hút sữa phổ biến là máy hút sữa bằng tay và máy hút sữa bằng điện. Trong đó, máy hút sữa chạy bằng điện lại có 2 loại là máy hút sữa điện đôi và đơn.
Máy hút sữa bằng điện thì tiện lợi dùng khi ở nhà. Còn máy hút sữa bằng tay lại nhỏ gọn và thuận tiện để mang theo khi ra ngoài. Tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng, các mẹ có thể chọn cho mình một chiếc máy hút sữa phù hơp.

Bước 2: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của máy trước khi bắt đầu thử trên cơ thể.
Ngoài khác nhau về thiết kế, thương hiệu, mỗi loại máy hút sữa lại có những chi tiết, công năng bổ trợ khác nhau. Vì thế mẹ nên nghiên cứu kỹ hướng dẫn và thử máy trước để bầu ngực quen dần với lực hút của máy.
Bước 3: Vệ sinh tay, bầu ngực và dụng cụ hút sữa sạch sẽ.
Trước khi hút sữa, mẹ cần phải rửa sạch tay với xà phòng. Đồng thời cần sát trùng thật cẩn thận dụng cụ để tránh bụi bẩn, vi khuẩn bên ngoài lọt vào sữa trong quá trình hút sữa. Mẹ có thể tham khảo dùng máy tiệt trùng bình sữa để tăng khả năng khử khuẩn.
Mẹ cũng nên vệ sinh bầu ngực để loại bỏ mồ hôi, bụi bẩn, đặc biệt ở núm ti và quầng vú. Nếu thấy căng tức, có thể dùng khăn nóng chườm quanh bầu ngực, massage 2 bên, mỗi bên khoảng 2 phút. Làm như vậy tuyến sữa sẽ được kích thích và sữa sẽ tiết ra đều và nhiều hơn.
Bước 4: Chọn vị trí ngồi thật thoải mái để hút sữa.
Nên nhớ khi mẹ thoải mái sẽ kích thích sữa ra nhiều hơn. Vì thế mẹ hãy lựa chọn một tư thế ngồi hoặc nằm thật dễ chịu, không bị gò bó. Mẹ có thể kê một chiếc gối mềm sau lưng để không bị căng tức vùng hông, lưng nếu phải ngồi lâu.

3. Cách sử dùng máy hút sữa đơn giản, đúng cách
Khi ở nhà, mẹ nên dùng máy hút sữa bằng điện để lực hút đều mà không gây tốn sức. Sử dụng máy hút sữa đôi có thể giúp mẹ rút ngắn thời gian vì khả năng hút hai ngực cùng lúc. Nếu mẹ dùng máy hút sữa đơn, hãy nhớ cần phải hoán đổi 2 bên vú liên tục trong quá trình hút.
Nếu sử dụng máy hút sữa bằng tay, mẹ cần lưu ý đặt máy hút sữa vào đúng vị trí như hướng dẫn của sản phẩm. Ban đầu, bóp liên tục vào cần đẩy trên để tạo phản xạ kích thích ra sữa. Khi sữa bắt đầu về, mẹ bóp cần dưới chậm lại để máy hút sữa đạt được hiệu quả cao.
Phễu chụp núm vú của máy hút sữa sẽ có nhiều kích cỡ khác nhau. Vì thế nếu mẹ cảm thấy chiếc phễu chụp quá nhỏ hoặc quá to so với núm vú của mình thì hãy tìm cách đổi trả hoặc mua loại phễu khác phù hợp hơn. Khi hút, đầu núm vú phải nằm giữa tâm của ống phễu. Để phễu chụp khít chặt với núm vú hơn, mẹ nên làm ẩm phễu trước khi sử dụng.
Khi mẹ hút sữa đúng cách thì sẽ có cảm giác êm nhẹ như đang cho bé bú. Nếu cảm thấy đau hay có bất cứ dấu hiệu bất thường nào, hãy dừng ngay việc sử dụng máy hút sữa và tới gặp chuyên gia để được tư vấn.

Cách dùng máy hút sữa bằng tay
Máy hút sữa bằng tay là loại máy hút sữa cơ bản, không cần dùng điện mà mẹ sử dụng lực tay để tạo áp lực hút.
Các bước thực hiện:
- Đặt phễu hút sữa: Đặt phễu hút sữa lên bầu ngực sao cho núm vú nằm ở giữa phễu. Đảm bảo phễu vừa vặn, không quá chặt hoặc quá lỏng để tránh làm đau núm vú.
- Tạo áp lực hút: Nhẹ nhàng bóp tay cầm của máy để tạo áp lực hút. Khi cảm thấy lực hút đủ mạnh nhưng không quá đau, duy trì việc bóp và nhả đều tay để sữa chảy ra.
- Thư giãn và duy trì nhịp độ: Điều quan trọng là duy trì nhịp độ ổn định, không nên bóp quá nhanh hoặc quá mạnh. Hãy thư giãn và duy trì nhịp bóp nhẹ nhàng trong suốt quá trình.
- Đổi bên ngực: Sau khi hút hết sữa từ một bên ngực (khoảng 10-15 phút), hãy chuyển sang hút sữa từ bên ngực còn lại. Điều này giúp mẹ duy trì lượng sữa đều ở cả hai bên.
Cách dùng máy hút sữa điện
Máy hút sữa điện tiện lợi hơn khi sử dụng lực hút tự động, giúp mẹ tiết kiệm thời gian và công sức.
Các bước thực hiện:
- Đặt phễu hút sữa: Cũng giống như máy hút sữa bằng tay, mẹ cần đặt phễu hút sữa sao cho núm vú nằm ở trung tâm phễu. Đảm bảo phễu vừa vặn và thoải mái.
- Chọn chế độ hút sữa: Hầu hết các máy hút sữa điện hiện đại đều có nhiều chế độ hút sữa khác nhau, bao gồm chế độ massage kích thích và chế độ hút sữa. Ban đầu, mẹ nên chọn chế độ massage để kích thích quá trình tiết sữa trong vài phút.
- Điều chỉnh lực hút: Sau khi sữa bắt đầu chảy, mẹ có thể điều chỉnh lực hút sao cho cảm thấy thoải mái nhất. Không nên chọn lực hút quá mạnh ngay từ đầu để tránh gây đau hoặc tổn thương cho ngực.
- Thư giãn trong quá trình hút sữa: Máy hút sữa điện giúp mẹ tiết kiệm công sức vì lực hút tự động. Mẹ chỉ cần ngồi thoải mái, có thể đọc sách, xem phim hoặc thư giãn trong lúc chờ máy hoàn thành quá trình hút sữa.
- Đổi bên ngực: Tương tự như khi dùng máy hút sữa bằng tay, sau khi hút xong một bên ngực, mẹ nên chuyển phễu hút sang bên ngực còn lại.
4. Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt
Chọn bình hoặc túi bảo quản sữa
Sữa sau khi hút ra, mẹ có thể cho bé bú ngay trong bình sữa. Nhưng nếu chưa đến cữ bú của con, mẹ cần phải bảo quản sữa trong túi trữ sữa chuyên dụng. Sau đó mẹ cần cho vào tủ lạnh càng sớm càng tốt. Việc trữ đông sớm sẽ đảm bảo chất lượng sữa được nguyên vẹn.

Lưu trữ sữa mẹ trong tủ lạnh
- Trong ngăn mát tủ lạnh: Sữa mẹ có thể được lưu trữ trong ngăn mát tủ lạnh trong vòng 3-5 ngày.
- Trong ngăn đông: Sữa mẹ có thể được lưu trữ trong ngăn đông tủ lạnh từ 3-6 tháng. Tuy nhiên, nếu mẹ sử dụng tủ đông chuyên dụng thì sữa mẹ có thể bảo quản lên đến 12 tháng.
Ghi nhãn thời gian
Hãy nhớ ghi nhãn ngày và giờ hút sữa lên túi hoặc bình chứa sữa để mẹ dễ dàng theo dõi và sử dụng sữa mẹ theo thứ tự “first in, first out” (sữa được hút trước dùng trước).
Hâm nóng sữa mẹ
Khi cần sử dụng sữa đã bảo quản, mẹ nên rã đông sữa từ từ bằng cách để sữa từ ngăn đông xuống ngăn mát. Khi hâm nóng, mẹ nên sử dụng máy hâm sữa hoặc ngâm bình sữa trong nước ấm. Tuyệt đối không nên dùng lò vi sóng để hâm sữa mẹ vì có thể làm mất dưỡng chất.
>>> Xem thêm: Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt mà mẹ bỉm nào cũng cần biết