Ăn dặm tự chỉ huy (BLW) phần 1

Ăn dặm là một quá trình quan trọng trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp ăn dặm cho trẻ. Nếu ba mẹ đang băn khoăn không biết chọn cho bé yêu của mình hình thức ăn dặm nào thì có thể tham khảo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy.  Phương pháp ăn dặm này đang rất phổ biến ở các nước châu Âu và Mỹ bởi những lợi ích mà nó mang lại. Ba mẹ cùng bác sĩ Bibo Mart tìm hiểu ngay nhé!

 

1. Ăn dặm tự chỉ huy là như thế nào?

Phương pháp ăn dặm Baby led weaning (BLW) còn được gọi là phương pháp ăn dặm tự chỉ huy. Với phương pháp này, ba mẹ chỉ cung cấp đồ ăn cho trẻ. Còn bé sẽ được tự quyết định ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào.

Thức ăn thường được cắt thành từng miếng mềm để trẻ có thể cầm nắm trên tay thay vì sử dụng muỗng để đút cho trẻ.

Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, thức ăn thường được cắt thành các miếng nhỏ dài như ngón tay để trẻ dễ cầm nắm

 

2. Ưu điểm và hạn chế của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

2.1. Ưu điểm

Theo kết quả nghiên cứu, cho bé ăn dặm chỉ huy mang đến các lợi ích như:

  • Giúp trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm cùng với các kết cấu và hương vị khác nhau. Từ đó giúp phát triển sở thích ăn uống của trẻ đa dạng và lành mạnh. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp phát hiện ra các loại thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ.
  • Giúp trẻ giảm thiểu nguy cơ thừa cân béo phì, bởi vì trẻ có thể ăn theo nhu cầu.
  • Trẻ thành thạo được các kỹ năng nhai và nuốt. Điều này giúp cho việc tiêu hoá thức ăn trở nên thuận lợi hơn.
  • Phát triển kỹ năng vận động tinh của trẻ: sự khéo léo của đôi tay, các kỹ năng phối hợp.

2.2. Nhược điểm

Bên cạnh những lợi ích có thể mang lại của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, phương pháp này cũng gây ra một số khó khăn như:

  • Vị trí thực hiện bữa ăn cho trẻ rất bừa bộn do trẻ tự cầm đồ ăn.
  • Có thể trẻ sẽ gặp phải tình trạng thiếu dinh dưỡng.

 

3. Thời điểm thực hiện cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy

Theo các chuyên gia, thời gian thích hợp nhất để bắt đầu cho trẻ ăn dặm tự chỉ huy là trên 6 tháng tuổi. Thức ăn dặm của trẻ sẽ ở dạng đặc. Ở độ tuổi này, hầu hết trẻ đã có thể tự ngồi và tay cầm nắm được đồ vật. Hơn nữa, trẻ trên 6 tháng tuổi hầu hết đã không còn phản xạ nhè thức ăn. Hệ tiêu hoá của trẻ cũng đang dần hoàn thiện.

Tuy nhiên, để yên tâm và biết chính xác cách cho trẻ ăn dặm theo phương pháp này, cha mẹ nên được hỗ trợ tư vấn từ các bác sĩ.

 

4. Nguyên tắc khi áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy

Để thực hiện phương pháp ăn dặm tự chỉ huy hiệu quả, ba mẹ nên áp dụng một số nguyên tắc sau:

– Cho trẻ đeo yếm lớn hơn so với kích thước yếm bình thường. Trải tấm lót ở dưới chỗ trẻ ngồi để việc dọn dẹp sau bữa ăn trở nên dễ dàng hơn.

– Mẹ vẫn tiếp tục cho trẻ bú để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ.

– Không nên ép trẻ ăn quá nhiều mà hãy để trẻ tự quyết định lượng thức ăn trẻ sử dụng.

– Nên cắt thức ăn thành dạng que hay miếng vuông để giúp trẻ có thể dễ dàng cầm nắm và ăn.

– Bắt đầu cho trẻ ăn bằng một lượng ít. Sau đó tăng số lượng thực phẩm lên.

– Ba mẹ nên tạo hứng thú cho trẻ trong bữa ăn. Hãy coi bữa ăn của trẻ như một cơ hội để trẻ khám phá nhiều điều mới mẻ từ các loại thực phẩm (kết cấu, mùi vị…).

– Bổ sung đa dạng nhiều loại thực phẩm để giúp trẻ phát triển vị giác và không bị tình trạng kén ăn.

– Không cho trẻ ăn những loại thức ăn có nguy cơ gây nghẹt thở bao gồm: các loại hạt, cà chua bi, trái cây sấy khô, đồ ăn nhẹ giòn (như khoai tây chiên, bánh quy hoặc thanh granola, …)

– Không bao giờ để trẻ ăn mà không có người giám sát.

– Theo dõi các phản ứng dị ứng của trẻ bao gồm: phát ban, hắt hơi, thở khò khè, nôn, tiêu chảy… Đưa trẻ đi khám ngay nếu phát hiện một trong các dấu hiệu trên.

 

Chúc các bé ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy có những bữa ăn an toàn, hạnh phúc và đạt hiệu quả cao trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare