Sự phát triển của thai nhi 3 tháng cuối

Chúc mừng mẹ đã vượt qua được 6 tháng đầu của thai kỳ, cơ thể mẹ lúc này đã nặng nề hơn chưa? Mẹ đi lại hay vận động có khó khăn hơn không ạ? Những tháng cuối này bé phát triển khá nhanh và bứt phá cả về chiều cao lẫn cân nặng. Bé yêu của ba mẹ sẽ thay đổi như thế nào qua từng tuần, hẳn là ba mẹ rất tò mò đúng không? Ba mẹ hãy cùng chuyên gia Bibo Mart tìm hiểu sự phát triển của thai nhi 3 tháng cuối qua bài viết dưới đây nhé!

 

Tuần thứ 28

 

thai nhi 3 tháng cuối
Sự phát triển của thai nhi 28 tuần

 

Khi bước sang tuần thứ 28, bé yêu nặng khoảng 1,1kg và chiều dài từ đầu đến chân của bé có thể lên tới 35cm. Tuần này bé rất hiếu động, các hoạt động thường gặp là đá chân, đạp mạnh, cuộn tròn… Bé đang chuẩn bị vào tư thế cho lúc sinh trong vài tháng kể từ bây giờ. Bé đã có thể nghe và cảm nhận được nhiều tiếng ồn bên ngoài, nên bé sẽ rất thích thú khi ba mẹ trò chuyện, cho bé nghe nhạc đó.

 

Tuần thứ 29

 

Trong tuần thai này, em bé đang có chiều dài khoảng 39 cm và nặng chừng 1,2 kg (gần bằng một quả bí đỏ). Cơ bắp và phổi của bé đang tiếp tục trưởng thành. Da bé càng lúc càng mượt mà hơn và mất phần lông nhung. Thị lực của bé cũng phát triển mạnh mẽ nhưng mới chỉ đạt được 1/20 thị lực mà thôi (bé có khả năng nhìn thấy những vật cách bé khoảng 10cm). Bộ não của trẻ đã phát triển và bước đầu hoàn thiện.

 

Tuần thứ 30

 

Mẹ biết không, lúc này em bé đã cao khoảng 40cm và nặng khoảng 1,4 kg. Con đã có thể cử động tay, quay đầu sang, mở mắt và nhắm mắt thành thạo. Tay, chân bắt đầu trở nên dày dặn hơn bởi vì chất béo đang dần được tích tụ dưới da. Có thể nói đây là giai đoạn mà não bộ của bé phát triển nhanh chóng. Những vết rãnh và lõm đặc trưng dần được hình thành thay vì bề mặt nhẵn trước đó. Thị lực của bé vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Nếu ba mẹ chiếu đèn pin hoặc nguồn sáng lên bụng bầu, mẹ sẽ thấy bé phản ứng bằng cách quay đầu về hướng phát ra ánh sáng đó.

 

Tuần thứ 31

 

Ở tuần thai này, bé nặng khoảng 1,5kg và dài khoảng 41cm. Đây là thời điểm cân nặng của bé bắt đầy tăng nhanh trong khi chiều cao tăng chậm lại. Mẹ có biết rằng những loại thức ăn được sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể làm thay đổi mùi vị của nước ối và lúc này não bộ cũng như vị giác của bé đã phát triển đủ để nhận biết các mùi vị này thông qua lượng nước ối mà bé nuốt vào. Do kích thước cơ thể lớn hơn, nên thai nhi khó mà nhào lộn trong bụng mẹ như trước nhưng những chu kỳ chuyển động của bé gần như sẽ giống nhau mỗi ngày.

 

Tuần thứ 32

 

Lớp lông mềm mượt bao phủ làn da của bé trong vài tháng qua (lông tơ) bắt đầu rụng trong tuần này. Thai nhi ngày càng lớn nhanh, đến bây giờ em bé có thể dài 43cm  và nặng khoảng 1,7kg. Lúc này bé thực hiện các hoạt động nhắm mở mắt, nheo mắt, nhấp nháy và luyện tập điều tiết mắt. Móng tay, móng chân của bé đã phát triển và hoàn thiện hoàn toàn. Nếu bé cảm thấy ngứa thì còn có thể tự mình gãi nhẹ. Ở thời điểm này da bé sẽ không còn nhăn nheo và khung xương cũng dần trở nên cứng cáp hơn.

 

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 30

 

Tuần thứ 33

 

Vào tuần thứ 33 của thai kỳ, kích thước bụng cỡ dưa hấu của mẹ bầu là bằng chứng rõ ràng cho chặng đường dài bé và mẹ đã đi qua cùng nhau. Cân nặng lúc này của bé đạt mức 1.8 – 2.2 kg và chiều cao của bé cũng rơi vào khoảng 43cm, khá gần với chiều cao mà bé sinh ra được. Trong tuần này xương bé tiếp tục phát triển cứng cáp hơn. Tuy nhiên hộp sọ vẫn mềm mại và linh hoạt vì lúc này não bé cần được nén nhẹ để chuẩn bị sẵn sàng khi ra ngoài.

 

Tuần thứ 34

 

Cân nặng của bé đạt 2 – 2.5kg, chiều dài từ đầu đến gót chân của bé đạt 46cm, bé yêu trông như một quả mít nhỏ vậy. Bé tiếp tục phát triển hoàn thiện bản thân mình. Trong giai đoạn này gan và thận của bé đã phát triển đầy đủ và sẵn sàng thực hiện các chức năng. Hệ thống hô hấp và tiêu hóa của trẻ đã hoàn thiện. Một trong những điều thú vị giai đoạn này là bé có thể nhận biết được giọng nói, bài hát, lời ru quen thuộc.

 

Tuần thứ 35

 

Tuy không còn nhiều chỗ trong tử cung nhưng trong tuần này cân nặng của bé tiếp tục tăng lên 2.5 – 2.7kg và dài khoảng 46cm. Em bé cũng đang ở vị trí ổn định và di chuyển dần thấp hơn trong khung xương chậu của mẹ để chuẩn bị được sinh ra. Sự di chuyển này sẽ làm cho việc hô hấp của mẹ trở nên dễ dàng hơn, nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến bàng quang. Bé đã không còn nhiều không gian để nghịch ngợm như trước như bé vẫn cố tìm tư thế dễ chịu cho bản thân, thậm chí bé sẽ phản ứng nếu thấy quá chật trội như hích vào xương sườn, xương chậu…

 

Tuần thứ 36

 

Ở giai đoạn này, em bé có cân nặng trung bình khoảng 2.8kg và chiều dài khoảng 48 cm tương đương một quả dưa lê hoặc một bó cải xoăn. Lúc này thai nhi đã trông giống trẻ sơ sinh hơn, với làn da mịn màng và đôi chân nhỏ nhắn. Với khối lượng cơ thể như trên thai nhi đã chiếm hầu hết khoảng trống túi ối. Em bé đã bắt đầu di chuyển vị trí dần xuống đường sinh khiến mẹ cảm thấy dễ thở hơn đôi chút. Thai nhi tuần này đã tăng trưởng chậm lại. Chất sáp màu trắng được gọi là bã nhờn bao phủ phần lớn cơ thể bé trong suốt hành trinh 9 tháng giờ đã tan biến.

 

Tuần thứ 37

 

Với trọng lượng gần 3 kg và chiều dài 49 cm, em bé lúc này tương đương với một quả bóng bowling nhỏ. Đầu thai nhi giai đoạn này đã rất to, có chu vi ngang với vòng ngực khi bé ra đời. Mẹ cũng sẽ nhìn thấy bé khá mũm mĩm vơi các ngấn thịt khuỷu tay, cổ tay, đầu gối cũng như những vết hằn nhỏ tại vùng cổ hoặc đôi vai. Hệ thống miễn dịch của bé cũng đang phát triển và sẽ tiếp tục hoàn thiện cho đến sau khi bé sinh ra. Cơ mặt của bé tiếp tục hoạt động thông qua các cử chỉ như bĩu môi, cau mày,nhăn mặt…

 

Sự phát triển thai nhi tuần thứ 37

 

Tuần thứ 38

 

Mẹ đang trong giai đoạn cuối thai kỳ, em bé có thể nặng khoảng 3kg và dài 49,3 cm, tương đương với một quả dưa hấu nhỏ. Lớp mỡ chiếm phần lớn trong khối lượng cơ thể thai nhi, có tác dụng giữ ấm cho bé sau khi trẻ được sinh ra ở môi trường bên ngoài.

Tròng mắt của thai nhi có sắc tố không ổn định, vì vậy nếu bé được sinh ra với đôi mắt sáng màu thì chúng vẫn có khả năng thay đổi khi tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài, phổ biến là màu tối hoặc đậm hơn.

Gần như toàn bộ lớp lông tơ mềm mượt bao phủ cơ thể bé, có tác dụng sưởi ấm thai nhi khi ở bên trong tử cung. Thai nhi sẽ nuốt nước ối, trong đó bao gồm lông tơ rụng đi, chất sáp bã nhờn, tế bào da chết…

 

Tuần thứ 39

 

Kích thước lúc này của bé to cỡ một quả dưa hấu với chiều dài khoảng 50 cm và có trọng lượng là 3,1kg. Bé tích tụ mỡ và béo lên, một lớp mỡ bao phủ khắp cơ thể thai nhi được tích tụ dày hơn nhằm giữ ấm cho bé sau khi chào đời. Bộ não vẫn phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Da của trẻ có thể mang màu đỏ hoặc hồng, do những mạch máu dưới da được nhìn thấy qua lớp biểu bì mỏng manh.

 

Tuần thứ 40

 

Không thể khắng định chắc chắn cân nặng và chiều cao của một đứa trẻ sơ sinh bởi vì mỗi bé sẽ có một kích thước khác nhau. Nhìn chung, một thai nhi chào đời sẽ có trọng lượng trung bình khoảng 3,3kg va độ dài 51cm tương đương một quả bí ngô. Lúc này, cơ thể bé gần như đã phát triển hoàn thiện và có hầu hết các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng phản ứng và giao lưu với thế giới bên ngoài

 

Làm mẹ ai cũng mong muốn mình có một thai kỳ khỏe mạnh, bé được phát triển bình thường, đi tới đích an toàn. Hi vọng qua bài viết vừa rồi, ba mẹ đã có đầy đủ kiến thức về sự phát triển của thai nhi 3 tháng cuối, nhất là với các mẹ bầu mang thai lần đầu tiên. Chúc mẹ mạnh khỏe và có một cuộc vượt cạn thành công cùng con yêu!

 

Chuyên gia đào tạo sức khỏe Mẹ và bé – Đặng Thúy Hằng
Bác sĩ Minh Thúy – Tư vấn sức khỏe Mẹ và bé BiboCare

Phòng đào tạo và tư vấn – BiboCare