Bạn sẽ không dám ép con ăn khi đọc những điều này!

Vì lo cho con, sợ con còi cọc, ốm yếu, suy dinh dưỡng,…, người lớn thường hay ép con ăn mà không tôn trọng lựa chọn của trẻ trong chuyện ăn uống. Tuy nhiên, nếu ba mẹ biết rằng việc ép ăn để lại những hậu quả như dưới đây, chắc chắn sẽ không bố mẹ nào còn thực hiện nữa.

Hệ quả cực xấu của việc ép con ăn

Việc ép con ăn, thực chất, lại có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức của bố mẹ, ông bà về sau, trong thì tương lai, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm sinh lý và sự phát triển hệ thống các cơ quan của trẻ.

 

Dưới đây là những hệ lụy khôn lường của việc ép con ăn mà bác sĩ Nhi khoa Trần Thị Huyên Thảo, hiện đang công tác tại TP. Hồ Chí Minh đã liệt kê, theo chứng minh của các nghiên cứu khoa học:

Trẻ càng biếng ăn hơn

Theo thông tin trên báo VnExpress, một nghiên cứu trên hơn 300 gia đình có trẻ từ 2 tuổi đến 4 tuổi và một khảo sát trên trẻ 7-9 tuổi ở Canada cho thấy: những gia đình có cha mẹ càng ép trẻ ăn cho “tròn bữa” thì trẻ lớn lên càng có nguy cơ bị rối loạn ăn uống như chán ăn, biếng ăn.

 

ép con ăn
Ép con ăn khiến trẻ càng biếng ăn hơn
Nguyên do là ép trẻ ăn món trẻ không muốn khiến các bé mất khả năng tự quản lý thói quen ăn uống của mình. Từ đó trẻ hoặc ăn quá ít, hoặc ăn quá nhiều khi lớn lên.

 

Hội thảo công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng của trẻ Đông Nam Á cho thấy: 50% trẻ em Việt Nam thiếu các dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của cơ thể. Đây là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ép ăn quá mức của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.

 

Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ sau này

Nếu bị ép ăn, trẻ sẽ dùng thức ăn để mặc cả với cha mẹ như tuyệt thực hay nôn ói để chọc giận người lớn, khiến mẹ phải cho quà thì mới chịu ăn. Dần dần, khi lớn lên, trẻ lại tiếp tục xem việc học, việc tự lập của mình là điều kiện mặc cả với cha mẹ. Khi việc ép ăn kéo dài, trẻ sẽ ghi nhớ thời điểm ăn là thời điểm đáng ghét, không vui vẻ. Đồng thời sẽ tạo ra nỗi ám ảnh và chán ghét thức ăn. Vì vậy, trẻ nhỏ bị ép ăn khi lớn lên thường không thích ăn và không thèm ăn.

 

Mỗi khi ép con ăn, cha mẹ thường cảm thấy căng thẳng, bực dọc. Tuy nhiên, cha mẹ không biết rằng, lúc này, con cũng bị mệt mỏi, bức bối không kém. Thậm chí, khi trẻ lớn lên dễ trở thành người hay căng thẳng, mệt mỏi và trầm cảm. Thậm chí, bé sẽ có khuynh hướng hung hăng và dễ nổi giận.

Quan hệ gia đình trở nên căng thẳng, tăng nguy cơ bạo lực

Để con ăn theo đúng ý mình, nhiều ông bố bà mẹ đã biến những bữa ăn thành cuộc chiến căng thẳng. Người lớn có thể rơi vào vòng lặp: trẻ không chịu ăn – ép ăn – trẻ càng không thích ăn hơn, càng chống đối hơn – càng ép ăn hơn, càng ráng cho ăn nhiều hơn, càng “bạo lực” hơn. Và vì vậy, mối quan hệ gia đình sẽ trở nên căng thẳng. Thậm chí có thể đưa đến những hệ lụy không cần thiết. Chẳng hạn như la mắng, đánh đập trẻ để đạt được mục tiêu ăn uống.

Khiến trẻ không thể phân biệt đói – no

Theo thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, cơ thể trẻ có thể tự cảm nhận được mức độ no và đói. Tùy theo thể trạng và khả năng hấp thụ mà mỗi trẻ sẽ có mức ăn khác nhau. Các bà mẹ thường so sánh con với những đứa trẻ khác và ép con ăn. Tuy nhiên, nếu trẻ đã cảm thấy no và không muốn ăn nữa thì mẹ nên dừng lại. Việc ép con ăn cố sẽ khiến cơ thể con mất khả năng phân biệt đói và no. Từ đó, con càng biếng ăn, thậm chí sợ ăn.

Thừa cân

Các nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ trẻ em bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc bệnh béo phì là 31,4%. Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ tăng 7,8% so với các trẻ em khác. Nguyên nhân là trẻ bị ép ăn nhiều làm lượng lipid trong máu cao, gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.

 

Không những thế, nếu tình trạng này kéo dài thì những trẻ em này sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, bệnh tim mạch vành, sỏi thận, bệnh gout và nhiều bệnh khác khi trưởng thành.

Trẻ dễ gặp vấn đề về răng miệng, tiêu hóa

Khi bị ép ăn, trẻ có tâm lý chỉ muốn nuốt suông cho xong. Do đó hệ răng miệng của trẻ trở nên không cần thiết vì không được sử dụng. Cơ hàm cũng không được sử dụng để nhai, nên không phát triển được. Vì thế về sau có thể trẻ sẽ gặp phải những vấn đề về răng miệng đặc biệt. Ngoài ra, trẻ cũng dễ bị nôn trào khi nạp thức ăn cứng hơn. Do trước đó con đã quen “nuốt trôi” thức ăn được đưa vào miệng. Sự nôn mửa thường xuyên cũng ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ về sau.

 

Xem thêm: Mẹ dùng sữa gì giúp bé ăn ngon, tiêu hóa tốt?

 

Ép con ăn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ sau này
Ép con ăn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ sau này

 

Khi càng bị ép ăn, trẻ lại càng không chịu ăn. Vì vậy, mẹ thường cho bé uống sữa công thức để bù lại. Việc này càng làm cho trẻ giảm cảm giác thèm ăn hơn. Thậm chí là không cần ăn vì đã có sữa rồi. Những trẻ được cho bú sữa bình quá lâu có thể bị mòn răng và sâu răng. Điều này làm cho trẻ bị đau khi nhai thức ăn cứng. Vì vậy trẻ có xu hướng không thích nhai và rơi vào một vòng luẩn quẩn như trên.

Lời khuyên của các chuyên gia

Tùy theo thể trạng và khả năng hấp thụ mà mỗi trẻ sẽ có mức ăn khác nhau. Vì thế, để không phải ép trẻ ăn, các bậc cha mẹ nên nhớ những điều dưới đây:
  • Ngay từ khi bé mới được sinh ra, người lớn cần nắm rõ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, hãy tập cho con thói quen ngồi ăn tập trung ngay từ ngày đầu tiên, tránh đưa con đi rong. Không nên vừa ăn vừa xem tivi, nghịch đồ chơi, hay đi rong ngoài đường. Điều này sẽ khiến con mất tập trung, mải chơi nên lười ăn.
  • Khi nấu ăn cho trẻ, mẹ cần chế biến những món riêng phù hợp với độ tuổi của trẻ. Cách chế biến cần hấp dẫn và thay đổi liên tục để kích thích vị giác và sự ngon miệng của trẻ.
  • Hạn chế cho bé ăn vặt, không ăn quá khuya, không ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán hay đồ ngọt. Ngay từ khi còn nhỏ, cần dạy bé cách cung cấp năng lượng cho bản thân khi đói và uống nước ngay cả khi không khát.
  • Cho bé đi khám định kỳ, người lớn cần thường xuyên ghi lại các chỉ số về chiều cao, cân nặng của bé để dễ dàng phát hiện những biểu hiện lạ. Ví dụ như cân nặng của bé tăng đột biến hay những dấu hiệu bệnh tật mới hình thành.
  • Khi thấy con có dấu hiệu suy dinh dưỡng hoặc quá biếng ăn, cần đưa trẻ đi khám để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị đúng nhất theo chỉ định của các bác sĩ.

Xem thêm: Ba mẹ nên làm gì để trẻ thèm ăn tự nhiên?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *