img

Túi nhai chống hóc

Túi nhai chống hóc hay túi nhai ăn dặm là sản phẩm có thiết kế tương tự ty ngậm hay ty giả của bé, song có phần đầu núm to hơn để chứa thức ăn bên trong, được sử dụng như một dụng cụ tập ăn – tập uống cho bé. Đầu túi nhai này thường được làm bằng silicon hoặc lưới mềm, với các lỗ (mắt) nhỏ - kích thước lỗ/mắt này sẽ thay đổi theo giai đoạn phát triển của bé – nơi mà thức ăn nhỏ sẽ thoát ra ngoài khi bé nhai.

Túi nhai chống hóc

1. Công dụng của túi nhai chống hóc trong giai đoạn ăn dặm

Đúng như tên gọi của sản phẩm, túi nhai chống hóc ra đời với mục đích ngăn chặn tối đa tình trạng hóc thức ăn khi bố mẹ bắt đầu cho bé làm quen với các loại thực phẩm thô giai đoạn ăn dặm.

Với các loại thức ăn mềm, đã được nấu chín, hoặc với các loại hoa quả, trái cây, bố mẹ chỉ việc cắt nhỏ sau đó cho vào bên trong đầu túi nhai, đóng nắp và đưa cho bé ăn. Với hoạt động nhai, bé sẽ hấp thụ được phần nước/cốt của thức ăn và một lượng nhỏ bã – là những mảnh thức ăn đã chia nhỏ đủ khả năng lọt qua lỗ trên đầu nhai để đưa ra ngoài miệng bé.

Nhìn chung, sử dụng túi nhai mang đến các tác dụng:

- Chống hóc thức ăn;

- Bước đầu giúp bé tập cách nhai, nghiền, cắn, nuốt;

- Cho bé bắt đầu làm quen với các loại thực phẩm mới lạ thông qua hương vị.

Bố mẹ có thể tham khảo một số dòng túi nhai cho bé: Túi nhai chống hóc Kidsme, túi nhai chống hóc Basilic, túi nhai chống hóc Munchkin,...

Túi nhai chống hóc

2. Hạn chế của các sản phẩm túi nhai chống hóc

Bé không được nhai một cách thực sự

- Vì thức ăn đã được đựng trong đầu túi silicon hay bên trong túi lưới nên khi sử dụng túi nhai, bé không thực sự cảm nhận được “cảm giác” của đồ ăn. Có không, bé chỉ cảm nhận được một chút sự cứng hơn, mềm hơn, mát hơn, nóng hơn, chứ không thể cảm nhận được sự dai, giòn, trơn, dính,… của các loại món ăn khác nhau.

- Với hoạt động nhai, thực chất bé chỉ đang nhai đầu túi silicon, đầu túi lưới sau đó hít nước chứ không thực sự cắn vào thực phẩm, dùng lưỡi đảo trộn, nhai nhỏ rồi nuốt.

 

Bé không ăn chủ động và không phải là ăn dặm bé chỉ huy

- Một điểm quan trọng và nổi bật nhất trong phương pháp ăn dặm bé chỉ huy là bé tự bốc thức ăn, xúc giác có thể cảm nhận thức ăn trơn hay không, mềm hay cứng, có góc cạnh không… Mắt bé nhìn thấy thức ăn màu gì, hình dạng ra sao. Và quan trọng nhất, là bé học kĩ năng phối hợp tay – mắt, mắt nhìn thấy thức ăn và tay với ra, lấy thức ăn chính xác, giữ đồ ăn và cho vào miệng. Kĩ năng bốc nhón, bốc bằng 3 ngón tay là một kĩ năng vận động tinh rất quan trọng, hỗ trợ cho việc cầm đũa, cầm bút, cầm thìa bằng 3 ngón tay của bé sau này. Khi bé dùng tay bốc được các thức ăn nhỏ như đậu Hà Lan hay giữ được những miếng trơn như xoài, kĩ năng vận động tinh của bé đã phát triển vượt trội. Và đó là một điểm nổi trội của Ăn dặm bé chỉ huy, giúp bé phát triển các giác quan để phát triển trí não tốt hơn.

- Tuy nhiên, khi bé ăn bằng túi nhai, tất cả mọi việc bé cần làm chỉ là cho túi nhai vào miệng, nhai và nuốt, toàn bộ quá trình nhìn – chạm – phối hợp tay mắt và rèn vận động tinh bị bỏ qua.

- Hơn nữa, ăn dặm bé chỉ huy tôn trọng sự chủ động của bé, là bé có thể tự chọn thức ăn, tự chọn ăn như thế nào và ăn bao nhiêu – đó mới thực sự là chủ động. Còn nếu bố mẹ đã chọn thức ăn cho vào túi rồi đưa cho bé ăn, đó không phải là chủ động, đó vẫn chỉ là ăn bị động.

Túi nhai chống hóc

Túi nhai chống hóc không phù hợp với phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy

3. Thời điểm thực sự tốt để cho bé sử dụng túi nhai chống hóc

Túi nhai chỉ nên sử dụng trong vòng 1 - 2 tháng đầu ăn dặm cho bé để bé bước đầu làm quen với hoạt động nhai cơ bản và một số vị thức ăn mới. Hoặc túi nhai sẽ thích hợp nhất để dùng khi bé mọc răng, cho đồ ăn lạnh vào để bé nhai cho đỡ đau, sưng nướu.

Túi nhai chống hóc

Túi nhai chống hóc Kidsme Plus