Tình cha con

“Tôi sinh ra giữa bỏng rát gió Lào.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những tháng ngày rong ruổi ngoài đồng, cắt cỏ chăn trâu, mò cua bắt ốc…và những chiều ra ngõ mong ngóng đợi Bố đi làm về.
Tôi là con thứ 4 trong gia đình 5 anh chị em. Đứa trước chưa kịp lớn thì đứa sau đã ra đời. Bố mẹ tôi đều làm nông quanh năm chân lấm tay bùn. Cuộc sống vô cùng vất vả.
In đậm trong tôi là hình ảnh của những mùa đông lạnh giá. Trong căn nhà trống hoác chăn không đủ ấm. Quần áo không đủ mặc. Bố tôi quây rơm dưới chiếu để mấy chị em tôi ngủ. Trời lạnh cắt da cắt thịt, bố phải thức đốt củi cả đêm để sưởi ấm cho các con có giấc ngủ ngon lành.
Những ngày hè nắng chang chang của miền đất xứ Nghệ, bố lại đội nắng đi bắt cua, bắt cá cả buổi trưa…để kiếm thức ăn cho một đàn con nheo nhóc ở nhà.
Rồi những ngày miền Trung vào mùa lũ. Mấy chị em tôi như đàn chim sẻ nhìn nước lũ mênh mông như biển. Bố cố gắng vượt mấy chục cây số đi xin gạo nấu cơm mang về cho con. Bố mỉm cười nhìn chúng tôi ăn thật ngon lành. Những giọt nước mưa nhạt nhòa trên khuôn mặt lo âu, khắc khổ…
Những ngày bố tôi đi làm xa là những ngày chị em tôi mong ngóng nhất. Bố đi làm gỗ trong rừng lâu lâu mới về. Thời tiết khắc nghiệt và những cơn sốt rét của rừng hành hạ khiến bố xanh xao vàng vọt, da thịt đầy vết côn trùng đốt sưng tấy…xót xa vô cùng.
Tôi lớn lên từ những giọt mồ hôi ướt đẫm trên khuôn mặt bố, từ giấc ngủ trên lưng bố suốt bao nhiêu ngày hè. Hạnh phúc nhất là những đêm dài nằm nghe bố đọc thơ. Những bài thơ thời chiến tranh đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc.
“Lấy chồng thời chiến
Mấy người quay trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ
Bé bỏng
Chiều quê…”
Chữ bố đẹp nhất làng nên nhãn vở chúng tôi lúc nào cũng là bố viết, sách vở bố đi xin giấy bìa xi măng về bọc cho tôi gọn gàng, sạch sẽ. Dù khó khăn đến mấy, bố cũng động viên không cho chị em tôi bỏ học. “Đời bố khổ nhiều rồi, các con phải phấn đấu lên”…
Tôi trưởng thành, vào ĐH rồi chị em tôi lần lượt lập gia đình. Mỗi lần tiễn con gái về nhà chồng là một lần bố rưng rưng nước mắt.
Tưởng rằng chúng tôi có thể bù đắp cho bố phần nào sau bao nhiêu gian truân, vất vả, tưởng rằng bố mẹ tôi sẽ được an nhàn những ngày tuổi già, nhưng chúng tôi lại gặp biến cố lớn trong đời.
Những năm tháng chiến tranh ở chiến trường khu B, cộng với bao tháng ngày dầm mưa giải nắng, sốt rét, ốm đau… Bố tôi đột quỵ sau một cơn tai biến…
Tôi đã từng sợ rằng tử thần sẽ cướp bố từ tay chúng tôi, khi nằm trong phòng cấp cứu, Bác sỹ đã nói rằng “Gia đình chuẩn bị tinh thần…” . Mẹ và chị em tôi đã khóc như mưa trước cổng bệnh viện. Chỉ biết cầu nguyện và may mắn thay…điều kỳ diệu đã đến…
Tinh thần lạc quan và nghị lực đã cứu sống bố tôi. Sau hơn 1 tháng nằm viện, Bố đã qua khỏi cơn nguy kịch và mẹ tôi tập cho bố bước từng bước một đi dù tập tễnh, khó khăn…
Giờ đây, khi bước qua tuổi 64, bố tôi giờ lại trở về làm đứa trẻ lần hai. Đầu óc lúc nhớ, lúc quên. Đến giờ đợi người cho ăn, đến giờ đợi người cho đi ngủ…Rồi thi thoảng đi đâu cả nhà lại đổ xô đi kiếm.
Nhưng tôi vô vàn cảm ơn trời Phật đã cứu lấy bố, cảm ơn mẹ tôi đã hi sinh chịu đựng để chăm sóc bố tôi suốt cả đời.
Một ngày có bố là một ngày tôi cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc nhất thế gian.
Một ngày còn bố là một ngày tôi thấy mình được chở che nơi bến bờ bình yên nhất.
Mỗi lúc khó khăn trong cuộc sống hay công việc, những lúc bế tắc và muốn buông bỏ, tôi lại nhớ 2 câu thơ của Cao Bá Quát:
“Đói nghèo rau cháo đủ dùng
Đắng cay con hãy về cùng với Cha”….”
Võ Thị Yến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *