16 triệu chứng bất thường nguy hiểm mẹ bầu chớ bỏ qua

rơ lưỡi cho trẻ chuẩn khoa học

Dưới đây là một số triệu chứng bất thường nguy hiểm chị em cần lưu ý trong suốt thời gian mang thai. Nếu bạn có hơn một trong số các triệu chứng này thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám kịp thời nhé!

1. Bị đau phần giữa bụng

Một trong những triệu chứng bất thường, đó là đau giữa bụng. Những cơn đau bụng dữ dội, đau có vị trí cố định ở phần giữa bụng, trên bụng, đi kèm theo đó là những biểu hiện của buồn nôn hoặc nôn. Lúc ấy cần lưu ý đến trường hợp dạ dày có vấn đề do khó tiêu, ợ nóng, thậm chí có thể bị ngộ độc thực phẩm. Nếu bạn đang mang thai ở trong nửa cuối thai kỳ thì càng phải lưu ý đặc biệt vì đây chính là dấu hiệu sớm của triệu chứng tiền sản giật rất nguy hiểm.

2. Bị đau bụng dưới

Những triệu chứng bất thường nguy hiểm có gồm đau bụng dưới ?
Bị đau bụng dưới có thể là triệu chứng bất thường nguy hiểm

 

Những cơn đau nặng ở bụng dưới, chỉ đau một bên bụng hoặc đau cả hai thường bị nhầm lẫn với triệu chứng đau dây chằng khá phổ biến trong thai kỳ. Tuy nhiên những cơn đau này cũng có thể là một trong số dấu hiệu của:
– Thai ngoài tử cung.
– Sảy thai.
– Sinh non.
– Xuất hiện khối u và có dấu hiệu chảy máu.
– Bong nhau thai do nhau thai tách rời niêm mạc tử cung (dạ con).

3. Bị sốt nặng

bị sốt

Nếu bạn đang bị sốt và thân nhiệt trên 37,5 độ C nhưng không có triệu chứng cảm lạnh hoặc cúm thì cần gặp bác sĩ chuyên khoa ngay trong ngày.

Nếu thân nhiệt của bạn lớn hơn 39 độ C thì phải gọi bác sĩ ngay lập tức. Sốt cao là một trong số biểu hiện cho biết bạn đang bị nhiễm trùng.
Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt phù hợp với thể chất sức khỏe của bạn. Bạn cần phải tuyệt đối nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng.
Nếu nhiệt độ cơ thể của bạn không được làm giảm và tiếp tục cao hơn 39 độ C trong một thời gian dài thì nó rất có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

4. Tầm nhìn bị mờ, mắt luôn thấy những đốm nhấp nháy

Trong nửa cuối của thai kỳ, nếu bạn có những triệu chứng bất thường về suy giảm thị giác như:
– Chỉ có một đồ vật nhưng lại nhìn thành hai.
– Mắt thấy mờ, mỏi và nhức mắt.
– Khi nhìn mọi vật xung quanh luôn cảm thấy có những điểm nhấp nháy.
Các rối loạn thị giác trên có thể là dấu hiệu của triệu chứng tiền sản giật.

5. Chân tay sưng phù lên

Ở giai đoạn cuối thai kỳ, chân, tay, mặt bị sưng (phù) là biểu hiện phổ biến ở mẹ bầu. Tuy nhiên nếu biểu hiện này đi kèm với việc bị đau đầu đột ngột, buồn nôn hoặc tầm nhìn bị giảm sút thì rất có thể bạn đang có nguy cơ bị tiền sản giật.

6. Thấy nhức đầu dữ dội nhưng mãi không hết

Nếu bạn bị đau đầu kéo dài hơn hai hoặc ba giờ kèm theo biểu hiện bị rối loạn thị giác, cơ thể bị phù nề nghiêm trọng thì bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm nhất để giảm thiểu nguy cơ bị tiền sản giật.
Tuy nhiên những điều này chỉ nên lưu ý khi bạn đang mang thai ở trong nửa cuối của thai kỳ.

7. Bị chảy máu âm đạo

Việc xuất huyết âm đạo, chảy máu nhẹ cũng là hiện tượng khá phổ biến ở phụ nữ có bầu trong giai đoạn đầu. Hiện tượng này là do sự thay đổi các hormone nội tiết gây ra. Việc chảy máu âm đạo cần được theo dõi chặt chẽ tùy thuộc từng giai đoạn trong quá trình mang thai:
– Chảy máu nhiều, máu đen, sẫm màu hơn bình thường, kèm theo dấu hiệu đau bụng thì cần thăm khám sớm vì đây là dấu hiệu có thai ngoài tử cung.
– Nếu chảy máu nặng, nhiều lần trong ngày, đau bụng thì đây có thể là một dấu hiệu sảy thai.
– Chảy máu đột ngột, âm ỉ, không có dấu hiệu đau thì cần lưu ý đến trường hợp nhau thai trũng thấp (nhau tiền đạo). Điều này có thể phát hiện thông qua quá trình siêu âm khi thai nhi được 20 tuần.
– Chảy máu kèm theo cục máu đông có thể là dấu hiệu bong nhau thai non. Hiện tượng này xảy ra khi nhau thai bắt đầu tách khỏi thành tử cung.
– Chảy máu âm đạo nhiều cũng là một dấu hiệu cho thấy mẹ bầu sẽ sinh sớm, đặc biệt khi chị em đang mang thai dưới 37 tuần.
Hiện tượng chảy máu âm đạo thường xuất hiện phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ, càng về giai đoạn sau thì việc chảy máu càng hạn chế và ít gặp, trừ các trường hợp nguy hiểm đặc biệt.

8. Cảm nhận mình đang rỉ ối

Nếu bạn bị rò rỉ nước ối trước tuần thứ 37 thai kỳ thì cần phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ kiểm tra sức khỏe của thai nhi và theo dõi tình trạng của mẹ bầu kết hợp việc điều trị để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Việc rỉ ối cũng là dấu hiệu của việc sinh non. Vì vậy, nếu không được thăm khám kịp thời để có những chuẩn bị cần thiết thì có khả năng em bé của bạn sẽ gặp nguy hiểm khi trở dạ.
Sau 37 tuần, nếu bạn bắt đầu rỉ ối thì điều này đồng nghĩa với việc một hai ngày sắp tới bạn sẽ gặp được con yêu. Trường hợp này, chị em cũng nên vào viện để có sự theo dõi kịp thời và cần thiết.

9. Tôi luôn thấy mình khát khô cổ họng

Nếu đột nhiên bạn thấy mình rất khát nước, khi đi tiểu nước tiểu có màu vàng đậm, thì đây chính là dấu hiệu của sự mất nước.
Nếu bạn càng khát nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường thì cần xem xét để đề phòng bệnh tiểu đường thai kỳ.
Cả hai nguy cơ trên đều có khả năng làm tăng mức độ nguy hiểm do biến chứng cho bà mẹ và thai nhi. Trường hợp này, chị em cần đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

10. Khi đi tiểu có cảm giác buốt rát

Nếu mẹ bầu có hiện tượng này thì rất có thể mẹ bầu đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Tình trạng này đi kèm với các biểu hiện như:
– Nước tiểu có kèm máu hoặc mùi bất thường.
– Nước tiểu có nhiệt độ cao.
– Xuất hiện những cơn đau ở vùng xương chậu, phần bụng dưới hoặc đau ngay thắt lưng.
Nếu chị em có bất cứ triệu chứng nào như trên, cần phải trao đổi sớm với bác sĩ chuyên khoa để bác sĩ kê đơn thuốc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu kịp thời.

11. Hay buồn nôn và nôn liên tục

Nếu chị em có hiện tượng nôn liên tục nhiều lần trong ngày thì sẽ khiến cơ thể bị mất nước nhanh chóng, sức khỏe suy yếu và mệt mỏi.
Về căn bản, điều này không gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, khi mẹ bầu có triệu chứng nôn dữ dội và kéo dài ( có khả năng bị Hội chứng HG – ốm nghén nặng) thì cần đến cơ sở y tế để có kế hoạch điều trị thích hợp.
Nếu bạn nôn nhiều trong nửa cuối của thai kỳ, kèm theo những cơn đau dữ dội ngay dưới vùng xương sườn, kết hợp với chân tay, mặt bị phù nề thì cần theo dõi để hạn chế nguy cơ tiền sản giật.
Nôn mửa kèm theo tiêu chảy có thể là dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm hoặc vấn đề ở dạ dày. Trong trường hợp mẹ bầu nôn mửa liên tục, bụng đau, sốt cao thì có khả năng chị em đang bị nhiễm trùng thận. Nếu bạn có những triệu chứng bất thường này thì cần trao đổi ngay lập tức với bác sĩ chuyên khoa của mình.

12. Người yếu, mệt và luôn chóng mặt

Mẹ bầu bị ngất xỉu hoặc cảm thấy choáng váng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã ăn không đủ no trong ngày. Nhưng nó cũng là biểu hiện khi thai phụ bị huyết áp thấp. Đây là hiện tương khá phổ biến trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Nguyên nhân là do hormone progesterone xuất hiện trong quá trình mang thai làm ảnh hưởng đến các mạch máu trong cơ thể thai phụ.
Nhiều chị em cảm thấy chóng mặt khi mang thai thì chỉ cần nằm nghỉ trong một thời gian nhất định để ổn định huyết áp. Tuy nhiên, vẫn có những mẹ bầu bị ngất xỉu. Đối với các trường hợp này, gia đình nên đưa thai phụ đến cơ sở y tế gần nhất.

13. Thai nhi ngừng chuyển động

Mẹ bầu cần liên tục theo dõi sự chuyển động của bé trong bụng mẹ. Nếu thai nhi đã bước qua tuần 21 nhưng ngừng hoặc ít dịch chuyển hơn 24 giờ thì cần phải thăm khám nhanh chóng để tìm hiểu nguyên nhân. Đây là một dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe của em bé đang gặp nguy hiểm.

14. Bị ngứa khắp người

Nếu mức độ mẩn ngứa mỗi lúc lại trở nên trầm trọng, đặc biệt là vào ban đêm, chị em cần lưu ý vì đây có thể là biểu hiện của bệnh ứ mật sản khoa.
Căn bệnh này thường đi kèm với triệu chứng như nước tiểu sẫm màu, phân nhạt màu hơn bình thường. Điều này thể hiện gan của bạn đang có vấn đề và có nguy cơ bị vàng da.
Nếu chị em chỉ bị ngứa nhẹ thì không cần lo lắng quá nhiều. Da bị mẩn ngứa khi mang thai là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu cảm thấy rất khó chịu vì ngứa làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của mình thì cần đến chuyên khoa da liễu để kiểm tra. Điều này cần đặc biệt lưu ý nếu ngứa nhiều về đêm và tập trung ở lòng bàn chân, bàn tay của bạn.

15. Có những va chạm ở phần bụng

Những va chạm nhẹ ở phần bụng không có nhiều nguy hiểm đến thai nhi vì em bé ở bên trong đã được bao bọc bởi màng đệm tử cung và nước ối. Tuy nhiên,  nếu việc va chạm, ngã có kèm các cơn co thắt, rỉ ối, xuất huyết âm đạo thì cần nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.

16. Mẹ không chắc chắn về những triệu chứng của mình

Nếu bạn không chắc chắn về những triệu chứng đang gặp phải trong thời gian thai nghén. Bạn cảm thấy lo lắng và không yên tâm thì đừng chần chừ gì mà không tới gặp ngay bác sĩ chuyên khoa để nhận được những lời khuyên đúng đắn.
Cơ thể của mẹ bầu thay đổi nhanh chóng, mỗi người có cơ địa khác nhau, không ai giống ai. Đối với người này, chuyện mẩn ngứa có thể là bình thường, nhưng với người khác thì lại là dấu hiệu bệnh lý nghiêm trọng. Hãy trở thành bà mẹ thông thái để bảo vệ sức khỏe của chính mình và con yêu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *