Hành trang 16 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai cha mẹ cần biết

Mang thai là một tin vui mà bất cứ cha mẹ nào cũng đều mong ngóng. Để tăng khả năng thụ thai và giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần có sự chuẩn bị chu đáo về cả sức khỏe, tinh thần, kinh tế,… Trong bài viết sau, chuyên gia Bibo Care đã tổng hợp hành trang 16 điều cần chuẩn bị trước khi mang thai mà cha mẹ cần biết!

 

Chuẩn bị trước khi mang thai?
Cần sẵn sàng cả về thể chất và tinh thần để quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi

1. Tính thời gian trứng rụng

Hãy nhớ rằng ngày trước khi trứng rụng là phù hợp nhất để quan hệ. Điều này nhằm đảm bảo tinh trùng và trứng gặp nhau ở thời điểm tốt nhất, khỏe mạnh nhất. Khả năng thụ thai trong thời điểm này cũng sẽ cao hơn hẳn.

Khi có ý định mang thai, bạn cần nằm lòng chu kỳ kinh nguyệt của mình trong tối thiểu 3 tháng gần nhất. Nếu không chắc chắc về thời điểm rụng trứng, hãy sử dụng các công cụ, ứng dụng hỗ trợ theo dõi chu kỳ rụng trứng.  Tuy nhiên cách này không áp dụng được cho các mẹ có chu kỳ kinh thất thường, không đều.

2. Tránh khói thuốc lá

Hút thuốc lá có nguy cơ dẫn đến những bất thường về tinh trùng (về số lượng và khả năng di chuyển). Đây cũng là một yếu tố gây ra chứng bất lực. Những ai nghiện thuốc lá có thể dẫn tới vô sinh. Đáng chú ý hơn, hút thuốc gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Các ảnh hưởng đã được chứng minh đối với sự phát triển phôi thai của mẹ nghiện thuốc lá có thể kể đến là: trẻ khi sinh ra sẽ bị nhẹ cân, …

3. Tránh uống rượu bia, đồ uống có cồn

Hầu hết chuyên gia trong lĩnh vực y tế đều khuyên bạn nên bỏ uống rượu hoàn toàn khi có kế hoạch mang thai. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng: nếu người bố uống quá nhiều rượu trong suốt tháng trước khi thụ thai, đứa bé sinh ra sẽ có cân nặng trung bình nhẹ hơn 184g so với những đứa bé khác (trích dẫn trong Telles, 2004). Các chất kích thích có trong rượu bia có thể làm giảm chất lượng của tinh trùng và trứng.

4. Tránh uống nhiều cafein

Caffeine làm gia tăng đáng kể nguy cơ sảy thai và làm giảm khả năng sinh sản ở cả đàn ông lẫn phụ nữ. Nếu vợ chồng bạn có ý định có em bé, hãy giảm tần suất uống cafe dưới 2 cốc/ngày. Thay vào đó, cha mẹ có thể chuyển sang dùng các loại nước ép trái cây.

5. Tránh tiếp xúc với hóa chất

Cần cố gắng hạn chế tiếp xúc với các chất độc hại như khói thuốc lá, cồn, chất làm ngọt nhân tạo và chất gây nghiện. Tránh tiếp xúc với các hóa chất như dung môi, thuốc trừ sâu và các hóa chất gia dụng có trong nước tẩy rửa nhà.
Nguy cơ từ thuốc trừ sâu cũng có thể ảnh hưởng đến bạn thông qua các loại thực phẩm. Vì vậy, bạn nên mua các sản phẩm hữu cơ và thịt sạch có nguồn gốc rõ ràng. “Sản phẩm hữu cơ được chứng nhận” đòi hỏi phải được trồng, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển mà không sử dụng các loại hóa chất tổng hợp, chiếu xạ hay xông thuốc.

6. Kiểm tra lại tủ thuốc của mình

Nếu đang trong quá trình điều trị bệnh, hãy kiểm tra những loại thuốc đó có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và mang thai hay không. Đàn ông cần tránh dùng thuốc Tagamet (chữa chứng ợ nóng);  Azulfidine (chữa bệnh viêm khớp dạng thấp). Phụ nữ cũng cần kiểm tra lại các loại thuốc kháng sinh và giảm đau. Nếu có thể, hãy trao đổi với bác sĩ để được gợi ý đổi sang loại thuốc khác thích hợp hơn.

7. Duy trì cân nặng hợp lý

Có sự liên quan mật thiết giữa cân nặng và khả năng thụ thai ở cơ thể phụ nữ. Thừa khoảng 10-14% lượng mỡ của cơ thể có thể làm giảm cơ hội thụ thai của phụ nữ (Mayo Clinic, 2001). Béo phì ở phụ nữ sẽ làm giảm khả năng thụ thai và mang thai, khiến họ dễ bị sảy thai. Mặt khác, phụ nữ thiếu cân có nguy cơ cao bị sinh non và thiếu máu trong quá trình mang thai.
Ở nam giới, tình trạng thừa cân sẽ làm giảm nồng độ tinh dịch. Đồng thời quá trình thụ thai cũng gặp khó khăn hơn. Điều này do khả năng di chuyển của tinh trùng bị giảm.

8. Đàn ông không nên tắm nước nóng và phòng tắm hơi

Tinh hoàn thường lạnh hơn phần còn lại của cơ thể khoảng 2 độ C. Trong đó tinh trùng hoạt động tốt nhất ở 20 độ C. Nhiệt độ quá cao trên 37 độ có thể làm suy yếu và thậm chí là tiêu diệt tinh trùng. Vì thế, bạn không nên ngâm mình trong nước nóng hay phòng xông hơi quá lâu để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

9. Giảm căng thẳng và tập cách thư giãn bất cứ lúc nào có thể

Bên cạnh sức khỏe tốt, một tâm trí thả lỏng có thể đóng một vai trò quan trọng khi bạn muốn có thai. Những người có xu hướng nghĩ tích cực, biết cách xử lý khi gặp vấn đề căng thẳng có tỷ lệ thụ thai nhiều hơn. Thậm chí căng thẳng nhẹ cũng có thể ảnh hưởng tới sự sản xuất testosterone (kích thích tố sinh dục nam) của đàn ông và có thể làm giảm lượng tinh trùng (Telles, 2004).

Hơn nữa, điều này còn có tác dụng tích cực đối với thai nhi. Nếu mẹ căng thẳng kéo dài trước và trong suốt thời gian mang thai, đứa bé khi sinh ra sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh như bị tăng động, tự kỷ, mắc bệnh tim,…

 

10. Tập thể dục thường xuyên để tăng tuần hoàn máu

Tập thể dục vừa phải và thường xuyên là thói quen lành mạnh, giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh. Các bài tập sẽ cải thiện cơ hội mang thai; đồng thời giảm nguy cơ bệnh tật gây ra do không hoạt động và thừa cân.
Tuy nhiên, tập thể dục quá sức cũng không được khuyến khích đối với phụ nữ. Bởi nó có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố và làm suy giảm rụng trứng do cơ thể đốt cháy nhiều chất béo. Hơn nữa, trong trường hợp bạn đã thụ thai, tập thể dục quá mức có thể làm suy giảm sự tăng trưởng của nhau thai và thai nhi; làm tăng nhiệt độ cơ thể, gây ảnh hưởng đến thai nhi.

11. Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng: một chế độ ăn uống bổ dưỡng với đầy đủ protein và carbonhydrates phức hợp; các thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa chất béo có lợi; hay rau củ tươi sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và tốt cho thụ thai. Một chế độ ăn uống tốt trước khi thụ thai phải giàu vitamin C, kẽm và axit folic, nhất là với phụ nữ. Ớt chuông, các loại quả thuộc họ mâm xôi và ổi cũng rất giàu vitamin C. Các loại hạt rất giàu chất kẽm và là nguồn cung cấp axit folic rất tốt.
Các chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt đã được chứng minh có ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố của phụ nữ. Từ đó gây ra tình trạng khó có thể thụ thai. Bởi vậy, cha mẹ nên tránh ăn kiêng quá ngặt nghèo.
Cả đàn ông và phụ nữ đều nên tránh ăn quá nhiều đường. Bởi lạm dụng đường có thể ảnh hưởng đến hàm lượng nội tiết tố thông qua sự cân bằng insulin.

12. Uống nhiều nước

Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều chứa nước. Nước hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra trong cơ thể. Nước tham gia vào việc vận chuyển chất dinh dưỡng và chất thải trong cơ thể.
Hơn nữa, nước còn hoạt động như một dung môi cho một lượng lớn các phân tử nhỏ khác. Nước cũng rất quan trong trong việc bôi trơn và đệm các khớp; hỗ trợ việc điều tiết nhiệt độ cơ thể và duy trì thể tích máu.
Những điều trên cho thấy uống đủ nước sẽ giúp cơ thể có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc đậu thai. Bên cạnh nước lọc thông thường, mẹ có thể uống thêm các loại nước hoa quả, nước mật ong,…

13. Bắt đầu uống axit folic

Uống axit folic, tức vitamin B9, là điều mà cha mẹ cần chuẩn bị trước khi mang thai. Nghiên cứu cho thấy, uống bổ sung axit folic trước khi mang thai và trong suốt thời kỳ 3 tháng đầu sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh. Nhu cầu tối thiểu của phụ nữ muốn mang thai mỗi ngày là 400 microgam axit folic. Nếu gia đình có tiền sử dị tật ống thần kinh, cần bổ sung khoảng 4000 mcg để đảm bảo sự phát triển ổn định của thai nhi.

14. Thảo luận với chuyên gia về bổ sung dinh dưỡng

Phụ nữ ở trạng thái có nguy cơ cao như những người có bệnh; có tiền sử sảy thai; có các dấu hiệu bất thường về tâm lý,… thì nên xem xét việc bổ sung dưỡng chất dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế có trình độ.
Như đã nói, điều quan trọng là bắt đầu dùng B9. Bạn cũng hãy xem xét đến việc bổ sung vitamin hỗn hợp và khoáng chất bao gồm chất kẽm, sắt, vitamin C, vitamin nhóm B và E. Đối với vitamin A và D, bạn cần phải có sự tư vấn của các y bác sĩ trước khi sử dụng.

Ngoài ra, các chất dinh dưỡng đem lại lợi ích tốt nhất đến từ các thực phẩm tự nhiên. Do đó, bạn cần bổ sung vào thực đơn các món ăn được chế biến từ nguyên liệu thiên nhiên tươi sống.

 

15. Kiểm tra lại vật nuôi trong nhà

Nhiều cặp đôi nuôi thú cưng trong nhà. Tuy nhiên cần chú ý đem chúng đi thăm khám tại các cơ sở thú y trước khi có ý định mang thai. Bởi thú cưng có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng khá cao. Điều này có thể tiềm ẩn nguy hiểm đến em bé sắp ra đời.

16. Khám bệnh tại phòng khám đa khoa

Một cơ thể khỏe mạnh sẽ là điều thiết yếu cần chuẩn bị trước khi mang thai. Trước khi thụ thai, cả cha mẹ cần đảm bảo đã hoàn thành các xét nghiệm với miễn dịch rubella, tiểu đường, huyết áp. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên bổ sung viên sắt để đảm bảo đủ máu cho quá trình mang thai. Việc khám răng cũng nên được thực hiện để có thể chữa trị trước khi mang thai nếu cần thiết.
Trên đây là những điều mà cha mẹ cần chuẩn bị trước khi mang thai thật kỹ lưỡng để có thể tăng cường khả năng đậu thai. Hy vọng cha mẹ sẽ nhanh chóng nhận được tin vui. Bibo Mart luôn sẵn sàng cung cấp tất cả những sản phẩm chăm sóc mẹ và bé và đồng hành cùng mẹ trong quá trình nuôi dưỡng con lớn khôn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *